Phó Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã đến dự và phát biểu tại hội thảo.
Tham dự còn có ông Michel Mouyssinat - nguyên Giám đốc đầu tiên của IFI; đại diện của các tổ chức quốc tế như Đại sứ quán Canada, Đại sứ quán Mozambique, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đánh giá cao sáng kiến của Viện Quốc tế Pháp ngữ trong việc tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục và nghiên cứu của cộng đồng các nước nói tiếng Pháp. Phó Giám đốc tin rằng hội thảo này không chỉ có ý nghĩa đối với Viện mà còn đối với các tổ chức học thuật của các nước nói tiếng Pháp trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay với những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia,các dân tộc trên thế giới.
Trong những năm vừa qua, ĐHQGHN đã xây dựng và duy trì quan hệ hợp tác song phương với nhiều đại học lớn của Pháp như ĐH Bách Khoa Paris, ĐH Nantes, ĐH Paris Sud. Ngoài ra, ĐHQGHN cũng đã tham gia tích cực trong các cơ chế, chương trình hợp tác đa phương trong khuôn khổ Cộng đồng khối Pháp ngữ, Cơ quan Đại học Pháp ngữ - AUF, … Chính vì đó, Phó Giám đốc Lê Quân tin rằng những nỗ lực và sáng kiến của Viện Quốc tế Pháp ngữ trong thời gian gần đây sẽ góp phần thắt chặt và xây dựng hợp tác toàn diện giữa ĐHQGHN và các đối tác Pháp.
Ông Michel Mouyssinat - nguyên Giám đốc đầu tiên của Viện Quốc tế Pháp ngữ bày tỏ vui mừng khi đến tham dự hội thảo cũng như chứng kiến sự thay đổi, phát triển của Viện. Ông mong rằng Viện Quốc tế Pháp ngữ sẽ ngày càng phát huy được lợi thế của mình khi là một thành viên của ĐHQGHN – đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của khối Pháp ngữ.
Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Quốc tế Pháp ngữ Ngô Tự Lập cho biết, một trong những vấn đề quan trọng đối với giáo dục đại học hiện nay là lựa chọn mô hình với thách thức đó là vấn đề ngôn ngữ. Mô hình giáo dục đại học Pháp, và cùng với nó là tiếng Pháp, có truyền thống lâu dài và ảnh hưởng to lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên truyền thống này, cũng như một số truyền thống đại học khác, đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các hệ thống giáo dục Anh ngữ. Hội thảo được tổ chức nhằm khảo sát các thế mạnh và nhận diện các thách thức của nền giáo dục Pháp và Pháp ngữ, cũng như cơ hội của nó trong và đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Hội thảo được chia làm 3 phiên làm việc với các chủ đề: Các mô hình quản trị đại học: đào tạo đại học và thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa; Giáo dục đại học và vấn đề ngôn ngữ giảng dạy; Giáo dục đại học Pháp và Pháp ngữ: viễn cảnh châu Á – Thái Bình Dương.
Tổng cộng đã có hơn 15 tham luận được trình bày với những ý kiến có giá trị. Bằng lý lẽ thuyết phục, minh chứng sinh động, các đại biểu trong và ngoài nước đã thể hiện quan điểm, tầm nhìn của mình về vấn đề đào tạo đại học Pháp và Pháp ngữ. Ngoài ra, các trao đổi, thảo luận sau đó cũng đã thu được nhiều ý kiến đóng góp thú vị.
Sau phần tổng kết, hội thảo khoa học quốc tế 2016 với chủ đề “Giáo dục đại học Pháp và Pháp ngữ trong bối cảnh toàn cầu hóa: Tầm nhìn Châu Á Thái Bình Dương” đã chính thức khép lại, hứa hẹn sự phát triển lớn mạnh hơn của cộng đồng Pháp ngữ trong tương lai.
Một số hình ảnh của hội thảo:
Hình ảnh một số bài thuyết trình:
Nguồn tin: vnu.edu.vn
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn