Hội thảo quốc tế “Du lịch thông minh: Hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường”
- Thứ ba - 27/10/2020 07:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện nay, trên thế giới, du lịch thông minh đã được nhiều quốc gia triển khai với nhiều hình thức đa dạng, trong đó trọng tâm đặt vào việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào các dịch vụ, sản phẩm du lịch. Ngành du lịch Việt Nam không nằm ngoài xu thế trên và đang tiếp cận nhanh chóng với du lịch thông minh để đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Trên cơ sở đó, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế “Franconomics 2020: Từ khởi nghiệp đến khởi nghiệp thông minh”, Bộ Ngoại giao, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Viện Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN đồng tổ chức Hội thảo quốc tế mang chủ đề “Du lịch thông minh: hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường”.
Hội thảo quy tụ sự tham gia của đông đảo đại diện các Bộ, ngành, các Hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam cùng các đại biểu đến từ các quốc gia/tổ chức quốc tế với kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch thông minh. Các chuyên gia tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến thiết thực góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch thông minh ở Việt Nam nói riêng, trong không gian Pháp ngữ nói chung.
Tham dự Hội thảo trực tiếp tại Hội trường, về phía Việt Nam, có ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ trưởng Vụ Trung Đông - Châu Phi, Bộ Ngoại giao; ông Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội; cùng nhiều quan khách khác.
Về phía khách quốc tế, có ông Chékou Oussouman - Trưởng Đại diện văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ; ông Paul Jansen - Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Chủ tịch Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và Cơ quan Pháp ngữ tại Hà Nội; ông Nicolas Warnery - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; ông Jean-Marc Lavest - Giám đốc khu vực - Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF); ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; ông Ri Ho Jun - Đại diện lâm thời Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên …
Hội thảo Du lịch thông minh cũng quy tụ các khách mời trong và ngoài khối Pháp ngữ, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước; các Bộ, ngành, địa phương cùng đông đảo các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, ông Chékou Oussouman - Trưởng Đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ, “Việt Nam hiện nay đang đi đúng hướng để phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững. Nhiều thành phố, địa phương đã phát triển được du lịch thông minh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Hòa Bình,…nhiều nơi đã có nhiều sáng kiến, ý tưởng mới, đặc biệt là việc triển khai hệ thống sinh thái thông minh để phục vụ cho du lịch.”
“Hội thảo này là cơ hội để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm mà chúng ta đã thích nghi được với tình hình mới. Tôi tin tưởng tình hình mới sẽ tạo ra cho chúng ta những cơ hội và giải pháp mới”.
Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng,Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thời gian qua, ngành du lịch đã và đang tích cực chuyển đổi, phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số, tạo ra những chuyển biến đột phá. Các địa phương, doanh nghiệp đã tập trung, phát triển, triển khai ứng dụng kết nối liên thông, hệ thống thông tin phục vụ điều hành quản lý nhà nước. Tổng cục Du lịch đã ra mắt ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, hỗ trợ kết nối du khách, cung cấp cơ sở du lịch và cơ quan quản lý du lịch trên nền tảng chung.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh du lịch Việt Nam thời gian qua đã đạt được những bước tiến lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, thúc đẩy giao lưu văn hóa quốc tế. Du lịch cũng là yếu tố quan trọng mang Việt Nam ra thế giới và mang thế giới về Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, trong thời kỳ các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông được tích hợp trong các công cụ và phương pháp tiếp cận sáng tạo, du lịch thông minh được hình thành và phát triển nhằm đổi mới lĩnh vực du lịch. Trên thế giới, du lịch thông minh đã được nhiều quốc gia triển khai với nhiều hình thức đa dạng. Trong đó, trọng tâm được đặt vào việc tối ưu hóa ứng dụng khoa học công nghệ. Điều này tạo nên những điểm nhấn cho mỗi nước và lợi thế cạnh tranh trong du lịch giữa các nước.
Ông Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ chia sẻ, “nền kinh tế và xã hội thông minh theo nghĩa rộng không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ để tăng lợi nhuận mà đây là một xu hướng lớn hơn: Công nghệ thông tin trong các giải pháp tổng thể. Thuật ngữ “du lịch thông minh” có nhiều cách nghĩ khác nhau: tăng hiệu quả kinh tế, ứng dụng công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0 để tăng hiệu quả du lịch, là giải pháp vào thời hậu covid. Du lịch hiện nay là mảng kinh tế ngày càng quan trọng. Tiềm năng phát triển du lịch thông minh, Du lịch thông minh ở Việt Nam có nhiều thế mạnh: kinh tế phát triển nhanh, dân số trẻ, bước phát triển thần kỳ về mặt công nghệ…
Đóng góp ý kiến trực tuyến, ông Yann Rival, Giáo sư Trường Đại học Polynesie (Pháp) lấy ví dụ về cách vận hành du lịch thông minh của thành phố Lyon, Pháp - một trong hai thành phố được trao giải Thành phố Du lịch thông minh năm 2019. Ông Yann cho hay, Lyon đặc biệt quan tâm tới sự cân bằng giữa phát triển, môi trường và bảo vệ di sản. Ông cũng cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để triển khai và áp dụng mô hình du lịch thông minh.
Sau phần phát biểu chào mừng và phiên toàn thể, hội thảo tiếp tục với 2 phiên: Phiên 1 – Du lịch thông minh: từ xu thế đến thực tế, cơ hội và thách thức; Phiên 2 – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp/ khuyến nghị cho phát triển du lịch thông minh của Việt Nam.
Phiên thảo luận thứ nhất có chủ đề “Du lịch thông minh: Từ xu thế đến thực tế, cơ hội và thách thức”, do ông Ngô Tự Lập điều hành cùng các diễn giả là ông Lê Minh Tân - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh; ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành Tourist; ông Lý Đình quân - Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn và bà Sarah Baker Ferguson - Trưởng đại diện tổ chức Traffic tại Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã trao đổi về sự chuyển dịch từ du lịch sang du lịch thông minh tại Việt Nam; nhu cầu và triển vọng phát triển của du lịch thông minh tại Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường; vai trò và ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh; những khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam.
Phiên thứ 2 có chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp/khuyến nghị cho phát triển du lịch thông minh của Việt Nam” được ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ Trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao dẫn dắt. Phiên thảo luận quy tụ sự tham gia của ông Nicolas Warnery - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; ông Tarik Ghozlani - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Vương quốc Maroc tại Việt Nam; ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch, Tổng cục Du lịch. Đặc biệt trong phiên này, có sự tham gia trực tuyến từ đầu cầu Tanzania của bà Diana Körner - Chuyên gia tư vấn quốc tế về du lịch bền vững, chuyên gia đào tạo quốc tế được Hội đồng Du lịch bền vững Quốc tế chứng nhận.
Phiên thứ hai tập trung giới thiệu những kinh nghiệm phát triển du lịch thông minh của Cộng hòa Pháp và Vương quốc Maroc. Ông Michael Croft, trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội chia sẻ tại phiên thảo luận 2 những hỗ trợ của UNESCO dành cho Việt Nam trong bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, đóng góp vào phát triển du lịch bền vững và hài hòa của Việt Nam và những khuyến nghị của UNESCO đối với chính phủ và địa phương Việt Nam trong phát triển du lịch bền vững và hài hòa.
Tham gia phiên thảo luận từ đầu cầu Tanzania thông qua hình thức trực tuyến, bà Diana Körner đã giải đáp câu hỏi “Liệu du lịch thông minh có phải là « đặc quyền » của các quốc gia phát triển, có trình độ cao về công nghệ không?” và “những thuận lợi và thách thức đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong phát triển du lịch thông minh là gì?"
Diễn đàn quốc tế Franconomics lần thứ 2 năm 2020 đã được khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện do Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Bộ Ngoại giao và Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN đồng tổ chức. Chương trình năm nay thu hút sự tham gia của hơn 120 đại diện của nhiều tổ chức quốc tế, đại sứ quán tại Việt Nam và nhiều trường Đại học trong nước và quốc tế.