USAID: Nâng cao năng lực quản trị nhằm hiện đại hóa các đại học hàng đầu Việt Nam
- Thứ sáu - 15/10/2021 06:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tham dự hội thảo có Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, đại diện Lãnh đạo Văn phòng, các Ban chức năng, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.
Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học do Đại học Indiana thực hiện trong vòng 5 năm với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Thế giới nhằm hiện đại hóa 3 đại học hàng đầu Việt Nam: ĐHQGHN, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng. Dự án nằm trong khuôn khổ chương trình Hỗ trợ phát triển giáo dục đại học của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.
Chiến lược của Dự án là tập trung vào 4 trụ cột chính, bao gồm: Chương trình Đổi mới Quản trị, Chương trình Nâng cao chất lượng Dạy và học, Chương trình Nâng cao năng lực Nghiên cứu và Chương trình Tăng cường kết nối Đại học – Doanh nghiệp để hỗ trợ trực tiếp các đại học lớn của Việt Nam.
Đại diện nhóm nghiên cứu Dự án từ Đại học Indiana đã trình bày chi tiết giải pháp kỹ thuật cho Chương trình Đổi mới Quản trị, tập trung vào các nội dung: Hệ thống và công cụ quản trị; Nâng cao năng lực quản trị; Nghiên cứu và vận động chính sách.
Thông qua việc phân tích các chỉ số, nhóm nghiên cứu chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của trường đại học: Học thuật (Giáo dục, Nghiên cứu) và Quản lý (Nhân lực, Tài chính). Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, các chỉ số hoạt động trọng yếu của trường đại học là dữ liệu được đo lường từ các khía cạnh: Tài chính, Thành công của người học, Tuyển sinh và nhập học; Cán bộ và giảng viên, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo, Sự phù hợp với thị trường lao động, Cơ sở vật chất.
Chia sẻ về hệ thống đảm bảo chất lượng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học tập trung hỗ trợ hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, giúp các trường đại học có thêm công cụ để cải tiến chất lượng thông qua quá trình lập kế hoạch chiến lược cho từng giai đoạn, đồng thời phân tích các quy trình hoạt động của nhà trường, phát hiện vấn đề kịp thời.
Các chương trình nâng cao năng lực mà Dự án dự kiến triển khai là: (1) Đào tạo chuyên sâu dành cho lãnh đạo; (2) Chương trình đào tạo quản trị viên; (3) Chương trình trao đổi học giả; (4) Chương trình hỗ trợ theo hình thức kết hợp và đào tạo trực tuyến.
Thông qua hội thảo, nhóm nghiên cứu Dự án mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp cũng như đề xuất, đặt hàng những nội dung mà các đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQGHN có nhu cầu được hỗ trợ, từ đó, nhóm nghiên cứu sẽ thiết kế và xây dựng các hoạt động chi tiết của Dự án.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho rằng, tự chủ đại học vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các cơ sở giáo dục đại học, đòi hỏi hệ thống quản trị gắn với trách nhiệm giải trình hiệu quả, linh hoạt, đáp ứng nhanh chóng với những thay đổi, đòi hỏi mới.
Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cũng cho biết thêm, trong quá trình xây dựng mô hình đại học số, ĐHQGHN đã xây dựng một số bộ công cụ, chỉ tiêu, hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ nhằm giám sát và thực hiện trách nhiệm giải trình trong thực hiện mục tiêu, điều chỉnh các chính sách, sáng kiến một cách kịp thời.
Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, vai trò của Dự án không chỉ đối với các ĐHQG và Đại học Đà Nẵng mà còn tạo đột phá, tiên phong vươn tầm quốc tế cho hệ thống giáo dục đại học nước nhà, ĐHQGHN sẽ tích cực đóng góp hiệu quả để đảm bảo đạt được mục tiêu, chất lượng và tiến độ của Dự án.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục Nguyễn Đức Huy bày tỏ mong muốn cùng nhóm nghiên cứu của Dự án tham gia khảo sát mô hình, chính sách tự chủ cũng như quản trị đại học ở Việt Nam. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Đức Huy đề xuất xây dựng bộ công cụ trong quản trị đại học giúp các thông tin, chỉ số được theo dõi và cập nhật một cách thường xuyên, liên tục.
Là đơn vị đào tạo các ngành khoa học cơ bản, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đặc biệt quan tâm đến hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong (IQA). Hiệu trưởng Vũ Hoàng Linh mong muốn có một công cụ quản trị và nâng cao năng lực quản trị theo các lĩnh vực công tác: Tổ chức cán bộ, Đào tạo, Khoa học Công nghệ…
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Lê Kim Anh chia sẻ, trong những năm gần đây, ĐHQGHN đã xây dựng hệ thống và công cụ gần tiệm cận với thế giới về quản trị. Nếu có sự hỗ trợ của hệ thống thông tin thì việc ra quyết định sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn. Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh kỳ vọng, không chỉ các lãnh đạo cấp cao mà cả đội ngũ quản lý cấp trung được tham gia các chương trình đào tạo của Dự án sẽ tạo điều kiện xây dựng nhiều năng lực quan trọng về quản trị để thực hiện và áp dụng vào giáo dục đại học ở Việt Nam.
Đại diện USAID bày tỏ kỳ vọng, với sự hỗ trợ tích cực của Dự án, các đại học sẽ trở nên bền vững, có trách nhiệm giải trình cao hơn và tự chủ hơn thông qua hệ thống và năng lực quản trị được cải thiện, chất lượng dạy và học được nâng cao và năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo được tăng cường.