Lịch sử Nhà hát lớn Hà Nội
- Thứ tư - 28/12/2016 15:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình lớn mà Chính quyền thực dân Pháp đã xây dựng trong những năm đầu thế kỷ XX. Nhà hát được bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành vào năm 1911. Nhà hát đã được Chính phủ Việt Nam trùng tu từ 1995-1997.
Sau khi hoàn thành, Nhà hát lúc đó được sử dụng là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cố điển như Opera, nhạc thính phòng, kịch nói... phục vụ cho tầng lớp quan lại thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có. Lịch biểu diễn thời đó một tuần có 4 lần vào thứ ba, thứ năm, thứ bảy và chủ nhật.
Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Nhà hát là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng tháng 8 và những năm đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
- Ngày 17/8/1945 tại quảng trường Nhà hát đã diễn ra cuộc mít tinh ra mắt mặt trận Việt Minh.
- Ngày 29/8/1945 đoàn giải phóng quân từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội ra mắt quốc dân đồng bào tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội.
- Ngày 16/9/1945 tại Quảng trường Nhà hát đã diễn ra Tuần lễ vàng.
- Đầu tháng 10/1945 tổ chức ngày Nam Bộ kháng chiến tại Quảng trường Nhà hát.
- Ngày 2/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I họp kỳ đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
- Ngày 2/9/1946 mít tinh kỷ niệm 1 năm chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa và đó cũng là ngày Bác Hồ lần đầu tiên đặt chân vào Nhà hát Lớn Hà Nội.
- Ngày 28/10/1946 quốc hội khóa I thông qua Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Đây là nơi Quốc hội khóa I họp kỳ thứ nhất, thứ hai, thứ tư và mấy kỳ kế tiếp sau giải phóng thủ đô 1954 cho đến ngày có Hội trường Ba Đình.
Đây cũng là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ thuật cùng sân khấu Việt Nam:
- Đêm ngày 22.10.1921 vở kịch nói Việt Nam đầu tiên mang tên “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long được diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội.
- Ngày 26/11/1946 diễn lần đầu tiên vở kịch thơ “Kiều Loan” của Hoàng Cầm, khép lại một thời đại kịch thơ.
Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi đã chứng kiến những giây phút hòa bình đầu tiên trên đất nước của chúng ta, là một nhân chứng cách mạng của Thủ đô Hà Nội. Từ đó đến nay Nhà hát luôn luôn là trung tâm của các cuộc họp, hội nghị mít tinh quan trọng và các buổi biểu diễn mang tính nghệ thuật cao của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Năm 2011, Nhà hát Lớn Hà Nội cùng quảng trường Cách mạng tháng Tám đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia. Ngày 9 tháng 12 năm 2011, Nhà hát Lớn Hà Nội kỷ niệm 100 năm ngày nhà hát ra đời.
Giám đốc đầu tiên của Nhà hát lớn Hà Nội
Kể về lịch sử của Nhà hát lớn Hà Nội sẽ không thể không nhắc tới vị Giám đốc đầu tiên của Nhà hát, Claude Bourrin. Xuất thân là một nhân viên thuế vụ được Nhà nước thực dân điều sang làm việc tại Đông dương từ cuối thế kỷ XIX, ông đã dành trọn cuộc đời mình để truyền bá kịch Pháp sang Đông Dương. Ban đầu chỉ là một diễn viên nghiệp dư đam mê bộ môn kịch, ông đã tự rèn luyện để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp và rồi giám đốc của các Nhà hát thành phố ở Đông Dương. Ông đã giúp người Việt Nam tiếp cận với kịch cổ điển Pháp, thông qua việc khuyến khích dịch sang tiếng Việt các vở kịch, đặc biệt các vở của Molière, và dàn dựng các vở kịch này.
Claude Bourrin đã tích cực đóng góp vào đời sống văn hóa xứ thuộc địa với vai trò diễn viên nghiệp dư ở các buổi diễn thường kỳ tại các điểm giải trí khác nhau, nơi thường tập trung giới nhà giàu thuộc địa Pháp tại Hà Nội trước khi Nhà hát lớn Hà Nội được khánh thành vào năm 1911. Claude Bourrin bắt đầu sự nghiệp lúc còn rất trẻ vào năm 1898 khi còn là nhân viên ở Sở Hải quan Hải Phòng và dù ở vị trí nào ông luôn được đánh giá rất cao. Claude Bourrin gây tiếng vang với hàng loạt bài báo chuyên đề, đầu tiên là trên báo Thư Hải Phòng, sau đó là trên phần lớn các báo ở Hà Nội và nổi tiếng với hàng loạt các buổi diễn nghiệp dư mà ông đã tổ chức và tham gia: tại Câu lạc bộ Đà Nẵng, Hội nhạc Hà Nội, Hộp nhạc Hà Nội, Hội âm nhạc Hải Phòng, sân khấu ngoài trời ở Đồ Sơn ... Ông là người có kiến thức rộng lớn hiếm có ở xứ thuộc địa về những tiết mục sân khấu trữ tình và kịch tính, cũng như trong lĩnh vực thẩm mỹ và kỹ thuật sân khấu.
Trong kỳ nghỉ phép tại Pháp, ông cũng lần lượt tham gia đóng kịch tại vùng ngoại ô Paris do Antoine con đạo diễn, tại Nhà hát Fémina và Comédie-Royale. Trước Thế chiến thứ nhất, những kinh nghiệm tích luỹ được của nghề kịch giúp ông gia nhập đoàn kịch của Copeau và được tiếp nhận vào Nhà hát Vieux-Colombier năm 1913, bắt đầu bằng vai diễn trong bản cải biên của vở « Một người đàn bà bị sát hại bởi sự ngọt ngào » của Thomas Heywood. Cũng tại đó trong vòng 8 tháng, ông diễn kịch của Molière, Musset, Shakespeare và nhiều kịch gia đương đại khác. Trong vở « Anh em nhà Karamazov », trích từ tác phẩm cùng tên của Dostoievski, ông đóng cùng Jaques Copeau, Louis Jouvet hay cả Charles Dullin. Ông đã học nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp trong thời gian đó.
Trong Thế chiến thứ nhất, ông được huy động trở lại Pháp, nhưng vẫn giữ mối liên hệ thư tín thường xuyên với bạn ông là Copeau và Jouvet. Năm 1924, ông quay lại Đông Dương, và chỉ rời Đông Dương khi ông trở về Pháp vào năm 1952 và định cư tại Nice.
Bourrin đã thành công khi đưa Molière vào Nhà hát thành phố mà không làm mất lòng những tầng lớp khán giả khác nhau với vở « Lòng đố kỵ của kẻ lấm lem » – vở hài kịch thoải mãn những khán giả mới tiếp xúc tới những khán giả đã được khai sáng trong nghệ thuật sân khấu. Những thành công Bourrin mang lại trong giai đoạn này đã mang đến cho khán giả Việt Nam một luồng gió hoàn toàn mới, nghệ thuật sân khấu bắt đầu phát triển sôi động và mạnh mẽ. Và « Người bệnh tưởng » của Molière là vở kịch Pháp đầu tiên được dịch sang tiếng Việt năm 1920 do Nguyễn Văn Vĩnh biên dịch.
Nhờ những nỗ lực của Bourrin, một cách rất tự nhiên, sân khấu cổ điển đã tìm thấy con đường tới công chúng Việt Nam. Cho đến những năm 1930, hậu quả của khủng hoảng kinh tế và sự cạnh tranh của điện ảnh khiến cho nghệ thuật sân khấu bắt đầu lắng lại. Bourrin vẫn tiếp tục đổi mới, sáng tạo bằng những nguyên tắc viết kịch cho kịch hát truyền thống của Việt Nam, dẫn tới sự ra đời của kịch nói Việt Nam, hoạt hình nghệ thuật có một sức sống đáng chú ý.
Danh tiếng đạt được của những vai diễn nghiệp dư giúp ông đạt được vị trí lãnh đạo Nhà hát lớn Hà Nội trong mùa diễn 1927-1928 và sau đó là lãnh đạo ba Nhà hát thành phố Đông Dương (Hải Phòng, Hà Nội và Sài Gòn) vào các mùa diễn 1928-1929 và 1929-1930. Cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ đã tác động tới các nước thuộc địa, kìm hãm cuộc sống nghệ thuật ở Đông Dương, và ảnh hưởng tới khoản trợ cấp mà chính phủ thuộc địa dành cho sân khấu.
Claude Bourrin đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho nghệ thuật và đưa sân khấu Pháp vào Đông Dương. Ông đã đặc biệt quan tâm tới nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, là người tạo ra đời sống văn hóa đặc sắc kết nối văn hóa Pháp – Việt, đồng thời góp phần dẫn tới sự ra đời của kịch nói Việt Nam.
Những tài liệu Claude Bourrin để lại trở thành nguồn thông tin vô giá về đời sống sân khấu Đông Dương, là bức tranh vẽ lại nửa thế kỷ lịch sử sân khấu. Những tài liệu này bao gồm các chương trình biểu diễn trong đó Claude Bourrin đã sắm vai, những bài tường thuật buổi diễn trên báo Pháp ở Đông Dương, những bức ảnh dàn cảnh, etc.