Thông cáo báo chí hội thảo "Quốc tế hóa giáo dục đại học phi Anh ngữ"
- Thứ năm - 31/10/2019 16:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hội thảo “Quốc tế hóa giáo dục đại học phi Anh ngữ?” là một trong những hoạt động nằm trong sự kiện kỷ niệm 15 năm ký kết thoả thuận về việc thành lập Trung tâm Đại học Pháp tại Hà Nội, nay trực thuộc Viện Quốc tế Pháp ngữ (2004-2019). Đồng thời, đây cũng là hội thảo nằm trong chuỗi seminars DAAS (Diderot Advance Academic Seminars) do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) tổ chức. Hội thảo do IFI kết hợp với các đối tác trong và ngoài nước đồng tổ chức: Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế và So sánh (ICE), Đại học Quốc gia Brunei; Trường Đại học Hạ Long; Trung tâm Nghiên cứu Văn học Liên ngành (CIELAM), Đại học Aix-Marseille.
Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quốc tế hóa giáo dục đại học phi Anh ngữ?”, sẽ diễn ra trong 02 ngày 09&10/11, ngày 09/11 tại Nhà Điều hành ĐHQGHN, 144 Xuân Thủy, Hà Nội và ngày 10/11 tại Đại học Hạ Long, Uông Bí, Hạ Long.
Trong trào lưu quốc tế hóa đang ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng trong nền giáo dục đại học thế giới, chúng ta thấy xuất hiện một xu hướng rất đáng suy ngẫm, đó là xu hướng Anh ngữ hóa. Trên thực tế, trong giáo dục đại học, quốc tế hóa gần như đồng nghĩa với Anh ngữ hóa. Điều này thể hiện ở sự thống trị của tiếng Anh như không những là ngôn ngữ giảng dạy, mà còn cả trong công bố khoa học và các hoạt động học thuật khác. Ở một vài quốc gia đang phát triển, tiếng Anh được coi là điều kiện bắt buộc đối với giảng dạy cũng như trong tuyển sinh.
Sự thống trị của tiếng Anh như là một lingua franca trong giao tiếp học thuật và cơ hội nghề nghiệp cho người học sau khi tốt nghiệp có những ưu điểm dễ nhận thấy, nhưng cũng đặt ra những vấn đề cần được khảo sát, đó là sự xói mòn đa dạng văn hóa, sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học. Sự độc tôn tiếng Anh tạo ra những khó khăn to lớn cho sự phát triển của giáo dục ở những quốc gia mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, góp phần thúc đẩy điều mà nhiều học giả gọi là “Chủ nghĩa thực dân học thuật”, biến các nước đang phát triển trở thành một thứ thuộc địa học thuật để các cường quốc giáo dục Anh ngữ phương Tây khai thác.
Tham dự Diễn đàn là hơn 300 diễn giả và khách mời đến từ các trường đại học của Brunei, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, Anh… và các trường đại học ở Việt Nam. Các nhà khoa học sẽ tham gia thảo luận để cùng chúng tôi nhận diện vấn đề, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để xúc tiến một mô hình hợp tác quốc tế giáo dục hài hòa, bền vững và đa ngữ, góp phần duy trì đa dạng văn hóa trên thế giới.
Hội thảo sẽ tập trao đổi những vấn đề chung về toàn cầu hóa, quốc tế hóa và quốc tế hóa giáo dục; vấn đề ngôn ngữ trong giảng dạy và nghiên cứu; những kinh nghiệm quốc tế hóa giáo dục đại học đa ngôn ngữ và những mô hình hợp tác quốc tế về giáo dục đại học.