Thư mời viết bài Hội thảo quốc tế Franconomics-2022
- Thứ hai - 26/09/2022 15:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, các biến động chính trị tiềm ẩn dẫn đến khủng hoảng năng lượng, sự nóng lên do hiệu ứng nhà kính,…kinh tế tuần hoàn là một mô hình phát triển giúp chuyển đổi kinh tế xã hội sang trạng thái sản xuất tiêu dùng bền vững. Không giống với nền kinh tế truyền thống, kinh tế tuần hoàn là một hệ thống ngay từ bước thiết kế vật liệu, sản phẩm, quy trình hoạt động và mô hình kinh doanh đã hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng hóa chất và chất thải độc hại. Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Quan điểm kinh tế tuần hoàn được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.
Franconomics-2022 quy tụ sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế với mục tiêu làm rõ khái niệm nền kinh tế tuần hoàn, các công nghệ cơ bản và các yếu tố thành công cốt lõi để triển khai nền kinh tế tuần hoàn; phân tích các cơ hội hợp tác quốc tế để phát triển nền kinh tế tuần hoàn đề xuất các hình thức lan tỏa các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với các nền kinh tế đa dạng cũng như đưa ra các đề xuất cụ thể để đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ, mô hình triển khai kinh tế tuần hoàn, xây dựng chính sách tham mưu thực hiện nội dung kinh tế tuần hoàn tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Chủ đề của Hội thảo bao gồm nhưng không giới hạn trong các vấn đề sau:
- Hiện trạng của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
- Cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
- Kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại một số quốc gia
- Vai trò của doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với nền kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực khác nhau
- Các mô hình kinh doanh tuần hoàn hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững
- Nền kinh tế tuần hoàn và đổi mới xã hội
- Nền kinh tế tuần hoàn và các hệ thống chuỗi cung ứng bền vững
- Các tác động môi trường của các sản phẩm tròn và sự phát triển
- Nhãn sản phẩm cho nền kinh tế tuần hoàn và tính bền vững
- Nền kinh tế tuần hoàn hỗ trợ công nghệ để sản xuất và tiêu dùng bền vững
- Vai trò của số hóa (ví dụ: Công nghiệp 4.0, Internet of Things, Blockchain, v.v.) trong nền kinh tế tuần hoàn.
Ban tổ chức Hội thảo trân trọng kính mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ giảng viên,...tham gia đóng góp nội dung cho Hội thảo. Các bài viết sẽ được xem xét và thông báo kết quả thẩm định sau 10 ngày làm việc. Các bài viết có chất lượng sẽ được đăng trong Kỷ yếu chuỗi hội thảo DAAS 2022 (có số ISBN và ISSN 2734-9969) và các bài viết xuất sắc sẽ được đăng trên Ấn phẩm Khoa học Cộng đồng Pháp ngữ tại Châu Á - Thái Bình Dương (ISBN quốc tế và ISSN 2525-2488).
Thời hạn gửi đề xuất, toàn văn tham luận:
- Thời hạn gửi đề xuất tham luận: 05/10/2022
- Thời hạn gửi toàn văn tham luận: 19/10/2022
Thể lệ đối với bài đề xuất tham luận và toàn văn tham luận (phụ lục đi kèm)
- Đề xuất tham luận (tên bài viết, tên tiểu mục, từ khoá): không quá 500 từ
- Toàn văn tham luận (không kể tên bài, tóm tắt và từ khóa): không quá 5000 từ
- Toàn văn tham luận được soạn thảo dưới dạng .docx, không cách dòng, kèm theo họ tên tác giả, số điện thoại, cơ quan công tác.
- Hình thức bài viết: Bài viết được trình bày với cỡ chữ 13 giãn dòng Single, sử dụng font chữ Times New Roman. Căn lề: trên 2 cm; dưới 2 cm; phải 2 cm; trái 3 cm. Các trang, hình, bảng biểu phải được đánh số rõ ràng, chính xác.
- Ngôn ngữ trình bày tham luận: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp
- Lệ phí đăng kỷ yếu: 1.000.000 đồng/bài.
Địa chỉ liên hệ và gửi bài viết:
- Email tiếp nhận bài viết: ngocnhn@vnu.edu.vn có cc: brain.ifi@vnu.edu.vn
- Số điện thoại liên hệ: 024 3745 0173; (số máy lẻ: 309)
- Di động: 0935 641 999
Địa chỉ nhận thư: Viện Quốc tế Pháp ngữ - Tầng 1, nhà E5, ĐHQGHN, số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội