Diễn viên chính của bộ phim "Trôi" qua đời
- Thứ sáu - 28/08/2020 09:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm 2019, giải nhất cuộc thi Phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc 2019 do IFI tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam đã gọi tên tác phẩm “Trôi” của bộ đôi tác giả Võ Huy Thăng – Lê Đình Tuyển. Bộ phim ngắn về người tài tử thương hồ Lý Hùng cũng đã được công chiếu tại Liên hoan phim Liên hoan phim Courrant 3D Angoulême (CH Pháp) và được đánh giá cao bởi những thông điệp mà bộ phim truyền tải. Tiếp nối thành công của cuộc thi lần thứ Nhất, năm 2020, IFI và Hiệp hội Prenez du Relief (CH Pháp) tiếp tục tổ chức mùa thứ II với chủ đề “Môi trường”.
Nhân dịp này, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện ý nghĩa cùng quán quân cuộc thi năm 2019, đạo diễn Võ Huy Thăng để lắng nghe những chia sẻ của anh về nhân vật Lý Hùng, nhân vật chính trong bộ phim “Trôi” của mình.
Anh có thể chia sẻ với khán giả lý do mà anh lại chọn nhân vật Lý Hùng cho tác phẩm “Trôi” của mình và những khó khăn trong quá trình thuyết phục ông Lý Hùng tham gia dự án này không?
Khi quyết định tham gia cuộc thi, tôi muốn chọn nét đặc trưng của nơi tôi sinh sống và làm việc. Tôi nghĩ đến sông nước, nghĩ đến thương hồ, nghĩ đến những người người buôn bán kinh doanh trên ghe tàu, chợ nổi, nơi tôi thường lui tới suốt thời sinh viên để ghi hình, quay phim và thực hiện những dự án nghiên cứu. Những ghe thuyền chợ nổi nơi tôi đến mỗi ngày, là nơi tôi cảm nhận được, nơi tôi thấu hiểu và đồng cảm với cuộc sống, những khó khăn trong thực tại và thách thức trong tương lai của người dân nơi đây.
Chú Lý Hùng tên thật là “Lượm”, nhưng mọi người hay gọi chú là “Lý Hùng”, vì đó cũng là nghệ danh của người tài tử thương hồ này. Chú đàn rất hay, tiếng đàn của chú bình dị, chân thật, sầu thảm vô cùng. Ghe thuyền của vợ chồng chú bán nước giải khát và hoa quả, đôi khi chú cũng biểu diễn cho khách du lịch, để kiếm thêm vài đồng mưu sinh cuộc sống.
Có thể nói rằng, chú Lý Hùng là đại diện cho hình ảnh chợ nổi, là linh hồn của những chiếc ghe thuyền bập bềnh sóng nước nơi đây. Ngoại hình của chú toát lên sự vất vả của người thương hồ, gầy gò, da sạm màu nắng, gương mặt khắc khổ cùng đôi mắt sâu thẳm. Lần đầu tiên gặp gỡ, ấn tượng với tôi là hình ảnh một người đàn ông gầy gò, yếu ớt, đôi mắt lúc nào cũng nhìn xa xăm nhưng khi người đàn ông thương hồ ấy cầm cây đàn của mình lên và bắt đầu ca, thì bỗng trở nên mạnh mẽ, sắc thái hoàn toàn thay đổi, đau đớn và xót xa, như hòa vào lời ca, bài hát. Ẩn sâu trong vẻ yếu đuối thường ngày ấy là một tâm hồn mạnh mẽ vô cùng. Hình ảnh đó để in đậm trong trí nhớ của tôi.
Chú Hùng cũng là người quen của tôi từ trước, vậy nên cũng không khó để thuyết phục chú tham gia vào dự án này. Hơn thế nữa, bộ phim dựa trên cuộc sống thực của chú, ghi lại những cảnh sinh hoạt đời thường, chú vẫn làm những công việc hàng ngày, không có những xáo trộn hay những cảnh quay cầu kỳ.
Tôi cảm thấy rất hài lòng khi chọn được nhân vật Lý Hùng cho bộ phim của mình.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh trong suôt quá trình thực hiện dự án là gì?
Thực ra, đó cũng không hẳn là một câu chuyện buồn cười, nhưng đó là cảnh quay khiến tôi nhớ nhất. Hôm đó chúng tôi quay cảnh xô xát giữa hai vợ chồng ông Lý Hùng, chú ngồi uống rượu, còn cô đi vào thể hiện thái độ bực dọc, khi mà chồng chỉ suốt ngày uống rượu ca hát, chẳng làm ăn buôn bán gì. Ban đầu, chú ngượng lắm, chú không diễn nổi cảnh đó. Thì cũng đúng thôi, hai cô chú vốn không phải diễn viên chuyên nghiệp mà.
Hai vợ chồng chú hay xưng hô với nhau là ông-tôi. Chú gọi cô Kim Chưởng là ông, xưng tôi. Đời thủa nhà ai lại gọi vợ là ông? Diễn đến 3 – 4 lần mà cảnh quay vẫn chưa đạt, nên chúng tôi cũng khó xử lắm. Thế mà câu nói của cô Kim Chưởng lúc ấy, làm cho tôi nhớ mãi, “Ông bày đặt hoài, bình thường lúc ông chửi tôi như nào, đánh tôi như nào thì giờ ông làm vậy đi”. Câu nói của cô khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Cuộc sống vợ chồng, có lúc nọ lúc kia, những va chạm dẫn đến xung đột, xô xát, huống hồ cuộc sống của người thương hồ vất vả, những áp lực mưu sinh khiến con người ta khó lòng kiềm chế mà cãi nhau, mà xô xát. Phía sau cuộc sống khốn khó đó, vẫn luôn là những vấn đề thường tại, là câu chuyện về bạo lực gia đình. Tuy rằng chú phải diễn lại cảnh xô xát, nhưng đó không phải thực sự là diễn một cái mâu thuẫn xa lạ, mà là thuật lại một cảnh tượng đời thường.
Anh có thể chia sẻ thêm với độc giả cảm xúc của mình khi bộ phim “Trôi” đoạt giải Nhất cuộc thi Làm phim ngắn và được tham dự Liên hoan phim Courant 3D tại Pháp không?
Ngày nhận được thông báo nhận giải Nhất, tôi vui lắm. Đó là một niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào. Đầu tiên, là mình đã truyền tải được câu chuyện của mình về chợ nổi, về nơi chốn thân thân thương, gắn bó với mình đến khán giả, đến mọi người. Một bộ phim thực sự thành công khi thông điệp của nó “chạm” được đến khán giả, để lại trong lòng mọi người một cái gì đó dù nho nhỏ thôi cũng là tốt lắm rồi. Và “Trôi” đã làm được điều đó. Đối với một người làm phim, còn điều gì tuyệt vời hơn thế?
Hơn thế nữa, việc bộ phim được tham dự liên hoan phim Courant 3D tại Pháp cũng là một vinh dự với tôi. Thật sự hạnh phúc và tự hào khi được trở thành “một đại sứ” với sứ mệnh đưa hình ảnh của quê hương mình vượt khỏi biên giới, đến những vùng đất xa xôi, để họ biết đến một Việt Nam không chỉ có những cảnh quan hung vĩ, thiên nhiên tươi đẹp mà còn ở những vẻ đẹp rất đỗi giản dị, ở những con người rất đỗi bình thường nhưng mang những vẻ đẹp sâu thẳm trong tâm hồn.
Anh có thể chia sẻ thêm những cảm xúc và suy nghĩ khi nghe tin ông Lý Hùng mất không?
Rất là buồn. Từ lúc làm phim chú cũng đã gầy và ốm yếu rồi, nhưng tôi vẫn bàng hoàng khi nhận tin chú mất, không nghĩ là chú ra đi nhanh như vậy. Thật sự cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Chú Lý Hùng cũng là nhân vật chính, là “chàng thơ” trong bộ phim đầu tay của tôi. Chú đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng, để gắn kết nghệ thuật, để tạo nên những tác phẩm mới. Âu cũng là một cái may mắn, khi tôi kịp lưu giữ lại khoảnh khắc, hình ảnh của chú Lý Hùng, của một một người nghệ sĩ tài năng, ghi lại được giọng hát luyến láy và đôi mắt buồn sâu thẳm của chú.
Cuộc thi làm phim ngắn thực sự là một cơ hội mới cho tôi. Tôi mong rằng, sẽ có thật nhiều bạn tham dự cuộc thi, để “dấn thân” vào môn nghệ thuật thứ 7 này, để cũng như tôi, lưu giữ được nhiều khoảnh khắc hơn, để truyền tải được nhiều câu chuyện, nhiều thông điệp hơn. Và giống như tôi, trở thành người đại sứ mang hình ảnh đất nước mình đến khắp mọi nơi.
Xin cám ơn anh vì cuộc trò chuyện này! Chúc anh sẽ sáng tạo thêm được nhiều bộ phim mới trong tương lai!
Thông tin chi tiết về cuộc thi Phim ngắn Kỹ thuật số màn ảnh dọc năm 2020
Link đăng ký tham gia cuộc thi năm 2020: https://forms.gle/WFupH7744YtpTuPw7