Hội thảo quốc tế “Tâm lý học trẻ em và giáo dục mới: Ở Việt Nam và trên thế giới, từ quá khứ đến tương lai”
- Thứ tư - 28/11/2018 20:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại hội thảo, các đại biểu có dịp lắng nghe những quan điểm, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả về giáo dục của Thụy Sĩ và Việt nam. Hội thảo cũng là một cơ hội để có một cái nhìn toàn diện, khách quan về những thay đổi lớn lao đang diễn ra trong nền giáo dục toàn thế giới.
Trình bày tại Hội thảo với tham luận “Sự thúc đẩy và các thử nghiệm giáo dục mới ở Việt Nam trong những năm 1940”, TS. Nguyễn Thụy Phương, Giám đốc mạng lưới giáo dục, Hiệp hội các chuyên gia và nhà khoa học Việt Nam, Đại học Genève, Thụy Sĩ cho biết, "Giáo dục Mới" là một quan điểm đặt trẻ em vào trung tâm của hệ thống giáo dục và coi trẻ em như một chủ thể vận động trong sự phát triển tự nhiên về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Quan điểm này đã được nhen nhóm vào thế kỷ 18, được hiện thực hóa bằng một số trường học ở châu Âu sau đó, và bị ngắt quãng bởi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Phương pháp dạy ở những trường học kiểu mới này hướng đến việc học thông qua thực hành và khả năng tự quản....
TS. Nguyễn Thụy Phương trình bày tại Hội thảo
"Giáo dục mới" thực sự là một thuyết nhật tâm của Kopernik trong ngành sư phạm vì nó “dám” đảo ngược và đổi chiều tư duy giáo dục truyền thống. Trường học phải thích ứng trước nhu cầu và mối quan tâm, sở thích, hứng thú của học sinh, nhà trường phải là nơi vừa học vừa hành và môi trường hợp tác và tương tác giữa học sinh với nhau và giữa giáo viên với học sinh. Giáo dục phải tự nhiên, gắn với đời thực, chuẩn bị hành trang vào đời, giáo dục phải dạy lòng vị tha và tôn trọng sự khác biệt. Đồng thời, phong trào này là một cuộc tái tư duy và tái định nghĩa về mục tiêu của giáo dục, về quan niệm về trẻ em, về chức năng của nhà trường, vai trò của người dạy và về phương pháp và giáo cụ sư phạm" - TS Phương phân tích.
GS. Bernard Schneuwly từ ĐH Genève, Thụy Sĩ
"Những biến đổi của giáo dục mới ở châu Âu trong thế kỉ 20: Genève nền tảng của giáo dục quốc tế " là tiêu đề tham luận do GS. Rita Hofstetter và GS. Bernard Schneuwly từ ĐH Genève, Thụy Sĩ trình bày. Theo các GS, trong thế kỷ trước, Geneve đã được công nhận là một thủ phủ của nền giáo dục mới, nơi thực hiện các thử nghiệm về lý thuyết giáo dục mới, trong đó có nhiều giá trị và mô hình được đưa vào thực tiễn và xuất khẩu như: Viện Roussea/Trường Khoa học Giáo dục (từ năm 1912), Văn phòng Giáo dục Quốc tế (1929). Các GS cũng lưu ý, ở các lớp học có sĩ số đông, lên tới 50-60 em thì không thể áp dụng phương pháp của Giáo dục Mới.
GS Hồ Ngọc Đại, nhà sáng lập trung tâm Công nghệ Giáo dục và trường Thực nghiệm Giáo dục trình bày tại Hội thảo tham luận tiêu đề “Jean Piaget và giáo dục”. Nội dung mà GS Hồ Ngọc Đại đưa ra được xây dựng dựa trên những lý thuyết Tâm lý học Phát triển Nhận thức (Theory of Cognitive Development) mà tác giả chính là nhà sư phạm học tên tuổi người Thụy Sĩ Jean Piaget. Để các ý tưởng cải cách được dễ hiểu, GS Hồ Ngọc Đại coi quy trình giáo dục dạy và học là một công nghệ: Công nghệ Giáo dục mà trong đó trẻ - học sinh phải là trung tâm.
GS Hồ Ngọc Đại trình bày tham luận tiêu đề “Jean Piaget và giáo dục”
Đối với trẻ mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui, trẻ phải được tự nhiên phát triển theo đúng các quy luật của phát triển nhận thức, tư duy logic, tư duy trừu tượng có thể hình thành ngay từ khi còn nhỏ để sau này khi lớn lên các tư duy đó phát triển trở thành những trí tuệ hoàn chỉnh. Trong khi đó, những khuôn mẫu tồn tại từ thế hệ này đến thế hệ khác dần trói buộc trẻ em, ngăn cản mọi sự phát triển bình thường theo quy luật phát triển nhận thức của trẻ phù hợp với mỗi gian đoạn phát triển của lịch sử xã hội.
Tác động của công nghệ mới với giáo dục đại học là nội dung trình bày của TS Ngô Tự Lập – Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ. Trong bài trình bày, TS Ngô Tự Lập đề cập xu hướng “Uber hóa” trong giáo dục đại học. Có thể nói rằng “Uber hóa” là một trong những biểu hiện tiêu biểu của nền kinh tế mới, hay cách mạng công nghiệp 4.0 như cách nói đang thời thượng hiện nay.
Theo Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, “Uber hóa” trong giáo dục đại học được thực hiện trong tất cả các nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và vật lực. Về học liệu, “Uber hóa” được bắt đầu bằng sự kết nối đơn thuần về mặt thông tin giữa các thư viện thông qua internet, tiếp đó, là sự kết nối sâu sắc hơn – kết nối về nội dung, các học liệu được số hóa và chia sẻ. Ngoài học liệu, xu hướng “Uber hóa” cũng xuất hiện và rất nên được khuyến khích trong việc quản lý và khai thác các cơ sở vật chất, hậu cần khác phục vụ cho công tác dạy và học.
Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ Ngô Tự Lập
Ông cũng cho rằng, trong xã hội chia sẻ hiện nay, chúng ta cần phải tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, cả nguồn lực con người lẫn nguồn lực vật chất, bằng cách chia sẻ, hay nói cách khác là “Uber hóa” chúng, để nâng cao hiệu quả sử dụng, chứ không nên xem các nguồn lực đó như là những nguồn dự trữ. Dưới tác động của công nghệ mới, xu hướng “Uber hóa” chương trình và phi học đường hóa giáo dục đại học được dự đoán sẽ phổ biến trong tương lai.
Sinh Vũ – Thùy Trang - VNU Media