Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://ifi.edu.vn


Tham quan ảo Nhà hát lớn Hà Nội

Trong cuốn Xứ Bắc Kỳ xưa. Sân khấu, thể thao, cuộc sống nhân gian (1884-1889), Claude Bourrin, giám đốc đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội, có viết: "Tới một miền đất mới, người Tây Ban Nha dựng nhà nguyện, người Ý dựng nhà thờ, người Anh dựng nhà băng và người Pháp dựng nhà hát".

Câu nói thể hiện tính cách đặc trưng của người Pháp - niềm say mê nghệ thuật, nhất là sân khấu - và cũng đúng theo nghĩa đen: Nhà hát Lớn Sài Gòn được xây dựng năm 1900, trước tòa thị chính thành phố (1909). Tiếp đó là Nhà hát Lớn Hà Nội (1911) và Nhà hát Lớn Hải Phòng (1912). Nhà hát Lớn Hà Nội là một trong những công trình lớn nhất và đẹp nhất của di sản kiến trúc Pháp ở Đông Dương.

Công trình do Harlay và Broyer thiết kế, có sự đóng góp của Lagisquet, khởi công năm 1901 dưới sự giám sát của Travary và Savelon. Nền đất yếu, các kỹ sư gia cố móng bằng  35.000 cọc tre già và một khối bê tông dày 90cm. Khoảng 600 tấn thép và 12.000m³ vật liệu khác được sử dụng để tạo nên một tòa nhà dài 87m, rộng 30m, điểm cao nhất so với mặt đường lên tới 34m - một công trình rất lớn so với quy mô của Hà Nội, khi đó có chưa đến 80 ngàn dân.

Lấy cảm hứng từ nhà hát Opéra de Paris do Charles Garnier thiết kế, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội là một sáng tạo độc lập, kết hợp các phong cách Tân Cổ điển và Baroque với các xu hướng thiết kế đương thời, sử dụng nhiều vật liệu tại chỗ, có tính đến điều kiện kinh tế và khí hậu địa phương.

                             Nhà hát Lớn Hà Nội (1911).

 

Các kiến trúc sư đã chú trọng khai thác có cách điệu những họa tiết Á Đông, giúp công trình có những nét riêng thú vị. Tuy quy mô nhỏ (870 chỗ ngồi so với khoảng 2500 chỗ của Opéra de Paris), Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn tạo ra được một không gian nghệ thuật tao nhã, trang trọng đặc trưng cho các nhà hát cổ điển Châu Âu.

Cửa chính nhà hát mở ra một ngã sáu, nay gọi là Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, điểm khởi đầu của phố Tràng Tiền (thời Pháp là Rue Paul Bert) và một trục phố kéo dài đến Phủ Chủ tịch (Phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây).

Khu vực xung quanh là những phố mang phong cách Châu Âu với những điểm nhấn như Khách sạn Métropole, dinh Thống sứ Bắc Kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ), Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước), Bảo tàng Louis Pinot (nay là Bảo tàng Lịch sử)… tạo nên một không gian kiến trúc khá hài hòa. Sau Thế chiến I, tại đây từng có tượng đài "Chiến thắng".

Qua cửa chính, khách bước vào sảnh chính rộng rãi sàn lát đá vân thạch, tường trang trí bằng những họa tiết cổ điển, những chùm đèn cầu kỳ. Một cầu thang lớn nhưng mềm mại hình chữ T dẫn lên phòng gương ở tầng hai. 

Đây là nơi thường diễn ra những nghi lễ quan trọng hoặc tổ chức các cuộc họp báo, các chương trình nghệ thuật thính phòng. Sàn phòng gương lát đá, tường treo những tấm gương lớn. Các đèn treo, đèn chùm cũng như bàn ghế trong phòng gương đều mang phong cách cổ điển, tinh tế và sang trọng.

Khán phòng, không gian quan trọng nhất của nhà hát, có kích thước 24 x 24 mét, gồm một sân khấu lớn, ba tầng ghế, với khoảng 600 chỗ ngồi theo cách bố trí hiện nay. Khán phòng rất đẹp với những hàng cột thức Corinth, thức cột cầu kỳ nhất trong ba thức cột nổi tiếng của kiến trúc Hy Lạp và La Mã. Trần khán phòng được trang trí cầu kỳ, nhiều màu sắc với những bức bích họa tinh xảo của các họa sĩ Pháp, những bức phù điêu và chùm đèn pha lê lớn dát vàng.

 

Phác họa trang trí cho vở "Công chúa Turandot" do C. Bourrin dàn dựng tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1926.

Đèn gắn trên tường cũng rất cầu kỳ, làm bằng đồng, được chế tạo theo phong cách cổ điển. Phía sau sân khấu là khu chức năng, bao gồm 18 phòng trang điểm dành cho diễn viên, 2 phòng tập, các phòng làm việc, thư viện và phòng họp.

Sau 10 năm xây dựng, lễ khai trương Nhà hát thành phố được tổ chức tối 9 - 12 - 1911 với vở hài kịch bốn hồi Le Voyage de monsieur Perrichon (Chuyến đi của ông Perrichon) của Eugène Labiche và Édouard Martin do nhóm kịch nghiệp dư Philarmonique của những người Pháp sống Hà Nội khi đó biểu diễn.

Theo thông báo, số tiền thu được từ buổi biểu diễn sẽ được nhóm ủng hộ cho trẻ em lai bị bỏ rơi. Tối đó, sân khấu vẫn chưa có phông màn chuyên nghiệp. Nhóm kịch lấy vải thô may phông màn với hình vẽ Hồ Gươm và Tháp Rùa. Tạm, nhưng tấm màn này đã được sử dụng cho đến tận năm 1927.

Nhà hát Lớn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa sân khấu và âm nhạc Việt Nam. Ban đầu, đó là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, các buổi biểu diễn của các đoàn kịch, ban nhạc Pháp và châu Âu để phục vụ người Pháp và một số ít người Việt thượng lưu ở Hà Nội. Về sau, cũng có một số buổi trình diễn của các nghệ sĩ người Việt nhằm mục đích từ thiện.

Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Lớn, Claude Bourrin, xuất thân là một nhân viên thuế vụ, một diễn viên nghiệp dư, nhưng đã tự rèn luyện để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp và rồi giám đốc các nhà hát thành phố ở Đông Dương. 

Dành gần trọn cuộc đời để truyền bá kịch Pháp sang Đông Dương, bằng hoạt động thực tế của mình, Claude Bourrin đã không ngừng chống lại quan điểm thực dân cho rằng người Việt Nam không có khả năng thưởng thức,  trình diễn và sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao.

Trước khi tiếp xúc với Phương Tây, sân khấu truyền thống của Việt Nam chỉ có ca kịch, trong đó phổ biến nhất là Chèo và Tuồng. Đầu thế kỷ 20, một loại hình ca kịch mới là Cải lương xuất hiện trên cơ sở Nhạc tài tử ở Miền Nam.

Năm 1910, đoàn nghệ sĩ Cải lương Việt Nam sau khi  lưu diễn ở châu Âu đã mang về nước lối diễn trên sân khấu kiểu Italia cùng với những cách tân về phông, màn, trang trí... Nhiều vở cải lương là những bản cải biên kịch Pháp, như vở Lộ Địch (Le Cid). Ở Miền Bắc, cũng xuất hiện ý muốn cải cách Tuồng và Chèo (tuồng xuân nữ và chèo văn minh). Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa đủ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tầng lớp thượng lưu và trí thức Tây học.

Sự hình thành kịch nói ở Việt Nam bắt đầu với việc dịch những tác phẩm cổ điển Pháp, như Người bệnh tưởng, Trưởng giả học làm sang, Lão hà tiện của Molière, Turcaret của Lesage (Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện) và các tác phẩm của Corneille (Phạm Quỳnh thực hiện).

Trong những năm 1920, một số trí thức Việt Nam bắt đầu viết kịch theo lối mới. Ngày 22-10-1921, vở kich 3 hồi Chén thuốc độc của Vũ Đình Long được công diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, đánh dấu sự ra đời của Kịch nói.

Âm nhạc hiện đại cũng ra đời theo mô hình Dịch thuật - Cải biên - Mô phỏng - Sáng tạo như vậy. Mới đầu, nhạc phương Tây chỉ được sử dụng hạn chế trong Nhà thờ và các công sở của chính quyền thuộc địa. Về sau, người ta chế lời để hát theo giai điệu nước ngoài. Những "Bài ta điệu Tây" như vậy thường dùng thay lời chào mừng cho các vở diễn truyền thống.

 

 

Quảng cáo ra mắt tờ Con thoi thị trường, một trong những chuyên trang quảng cáo đầu tiên (1993) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong nhiều trường hợp khác, chúng được dùng để hun đúc lòng yêu nước của nhân dân. Chẳng hạn, đoạn điệp khúc bài Quốc ca Pháp (La Marseillaise), "Aux armes, citoyens/ Formez vos bataillons/ Marchons, marchons!/ Qu'un sang impur/ Abreuve nos sillons! " được hát thành " Huyết khí ở đâu, người Nam?/ Để chúng múa gậy vườn hoang/ Đầu đen máu đỏ, khác chi thú cầm/ Ai ơi là giống Lạc Hồng… ".

Đầu thập niên 1930, một số thanh niên Việt Nam bắt đầu sáng tác nhạc mới. Bài hát đầu tiên của tân nhạc Việt Nam có lẽ là Cùng nhau đi Hồng binh của Đinh Nhu (1930).

Không chỉ là một địa điểm văn hóa, Nhà hát Lớn còn là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Chính nơi đây, ngày 17-8-1945, diễn ra cuộc mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh.

Ngày 19-8-1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường nhà hát, tạo nên một cuộc mít tinh đánh dấu thời điểm quyết định của Cách Mạng Tháng Tám. Cũng chính nơi đây Quốc hội của nước Việt Nam mới thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Nhà Hát Lớn trở thành một vọng gác. Từ trên nóc nhà hát, chiếc còi báo động phát ra một thứ âm nhạc đặc biệt hối thúc người dân xuống hầm trú ẩn khi máy bay Mỹ đến và báo yên khi nguy hiểm tạm qua. Thời chiến, Nhà Hát Lớn còn là nơi diễn ra những cuộc chia tay đầy xúc động của hậu phương với những người ra trận.

Nhà Hát Lớn đã may mắn không bị chiến tranh hủy hoại, nhưng cũng không thể thoát khỏi tác động của thiên nhiên. Đến thập niên 1990, công trình rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng. Trước Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội (11-1997), Nhà hát Lớn được trùng tu.

Trong hai năm, 1995-1997, nhóm chuyên gia đứng đầu là GS. Hoàng Đạo Kính, với sự tham gia của các chuyên gia Pháp, trong đó có KTS Hồ Thiệu Trị, đã hoàn thành xuất sắc dự án, khôi phục vẻ đẹp của công trình.

Ngày nay, Nhà Hát Lớn là địa điểm mơ ước của giới nghệ sĩ. Nhà Hát Lớn kết nối nghệ thuật và tình hữu nghị, đồng thời cũng mở rộng cửa cho các sự kiện kinh tế, xã hội đa dạng. Tại đây, rất nhiều cuộc hội thảo về kinh tế và phát triển được tổ chức, rất nhiều hàng hóa, sản phẩm và công nghệ mới được giới thiệu, rất nhiều doanh nhân tài năng được tôn vinh.

Những tấm pa-nô trên mặt tiền nhà hát không chỉ thông báo về các sự kiện, chúng còn phản ánh những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra trong tư duy kinh tế và sâu xa hơn nữa là quan niệm sống của người dân thành phố.

Là một di sản của chủ nghĩa thực dân, Nhà Hát Lớn Hà Nội đồng thời cũng là một công trình văn hóa tiêu biểu của sự giao tiếp văn hóa Việt Pháp. Năm 2015, Cơ quan bưu chính Pháp phát hành một con tem bưu chính mang hình công trình như là một trong những hình ảnh tiêu biểu về quan hệ văn hóa lâu đời giữa hai dân tộc.

Tháng 3/2017, sản phẩm "Tham quan ảo Nhà Hát Lớn Hà Nội" được Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) hoàn thành với sự tài trợ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF). Hòa quyện hình ảnh với âm thanh và lời thuyết minh song ngữ Việt Pháp giàu thông tin và cảm xúc, dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, "Tham quan ảo Nhà Hát Lớn Hà Nội" cho phép các nghệ sĩ, sinh viên, các nhà nghiên cứu tiếp cận dễ dàng và hoàn toàn miễn phí kiệt tác kiến trúc này.

Nguyễn Liêm - theo báo An Ninh Thế Giới