Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://ifi.edu.vn


Moderndiplomacy: Việt Nam tiếp tục kỳ tích của mình thông qua giáo dục đại học

Moderndiplomacy: Việt Nam tiếp tục kỳ tích của mình thông qua giáo dục đại học
Khi thông báo ngừng giãn cách xã hội được phát đi vào giữa tháng 6 năm 2020, Việt Nam được khắp thế giới ca ngợi như một hình mẫu trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid 19. Đối với học viên người Mali, Aolama Mallé và các bạn cùng lớp, đây là một thông tin tuyệt vời. Họ là những sinh viên của Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) - hệ thống giáo dục đại học lớn nhất cả nước. Khi các trường đại học mở cửa trở lại, tất cả sinh viên có thể quay lại hình thức học tập truyền thống, giao tiếp với các giáo sư và bạn bè.

 

Khi thông báo ngừng giãn cách xã hội được phát đi vào giữa tháng 6 năm 2020, Việt Nam được khắp thế giới ca ngợi như một hình mẫu trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid 19. Đối với học viên người Mali, Aolama Mallé và các bạn cùng lớp, đây là một thông tin tuyệt vời. Họ là những sinh viên của Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) - hệ thống giáo dục đại học lớn nhất cả nước. Khi các trường đại học mở cửa trở lại, tất cả sinh viên có thể quay lại hình thức học tập truyền thống, giao tiếp với các giáo sư và bạn bè. 

Hàng năm IFI tổ chức một chuyến tham quan dành cho các tân học viên. Đây là một hoạt động văn hóa ngoại khóa để các học viên hiểu thêm về Việt Nam. Sau khi bị hoãn đột ngột do ảnh hưởng của đại dịch Covid, chuyến tham quan năm nay lại được tiếp tục thực hiện và địa điểm tham quan được chọn là Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast và Vịnh Hạ Long. 

Rời khuôn viên của ĐHQGHN từ 7 giờ 30 sáng, đoàn xe với hơn ba mươi học viên và giảng viên của IFI lao nhanh lên con đường cao tốc hiện đại cắt ngang các tòa nhà chọc trời. Một không gian mang hơi thở hiện đại, khác hẳn khu Phố Cổ thanh thoát và cổ kính chịu ảnh hưởng kiến ​​trúc thời kỳ Pháp thuộc. 

Sự chuyển hóa đáng ngạc nhiên này cũng như sự mở cửa để thay đổi, phát triển, công nghiệp hóa và hội nhập với phương Tây, bắt đầu từ một chính sách được đưa ra vào cuối những năm 1980 - chính sách Đổi Mới. Chính sách này đã dẫn đến sự tự do hóa sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế vốn là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và khép kín của Việt Nam. Việc áp dụng chính sách cởi mở đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt của xã hội, đặc biệt là trong đời sống của nông dân, công nhân và các hộ gia đình Việt Nam. Các cải cách cũng dẫn đến những đổi mới đột phá trong hệ thống giáo dục đại học.

Việt Nam trong một thế hệ đã có bước nhảy vọt từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu trở thành một nước có thu nhập trung bình, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội và nhập toàn cầu. Năm 2020, với vai trò lãnh đạo toàn cầu kép tại ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam tái khẳng định các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc nhằm duy trì hòa bình, an ninh và hợp tác quốc tế.

Các sinh viên quốc tế trên xe cùng nhau hát các bài hát bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và đôi khi cả bằng những ngôn ngữ châu Phi. Chuyến tham quan là một trong những ví dụ tiêu biểu về chính sách Đổi mới toàn diện của Việt Nam trong chương trình giảng dạy thời kỳ Hậu Đổi mới với chủ trương gắn nhà trường với cuộc sống và xã hội vì sự phát triển toàn diện của sinh viên. Hơn nữa, chuyến tham quan tới một nhà máy ô tô hiện đại cũng phản ánh chuẩn đào tạo do chính phủ đề ra. Theo đó, các chương trình đào tạo thiết lập quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, cho phép sinh viên và nhà giáo học tập từ thực tế sản xuất. Việc lựa chọn Vinfast cho chuyến tham quan ngoại khóa, vì thế, không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên.

 “Vinfast là thương hiệu ô tô quốc gia thực sự đầu tiên của Việt Nam”, Tiến sĩ Đào Tùng, Trưởng phòng Hợp tác và Phát triển của IFI giải thích. “Bằng cách tổ chức chuyến tham quan thực tế này, chúng tôi muốn thể hiện những khía cạnh khác nhau của Việt Nam hiện đại. Vịnh Hạ Long được biết đến rộng rãi như một di sản thiên nhiên thế giới, còn Vinfast là biểu tượng cho nền kinh tế năng động của Việt Nam”.

Tổ hợp sản xuất Vinfast phản ánh lý do tại sao đổi mới là động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Các công ty Việt Nam thuộc nhiều ngành công nghiệp đã và đang phát triển nhanh chóng trong các lĩnh vực vốn bị chi phối bởi các công ty nước ngoài.

Vinfast, được thành lập vào năm 2017, tọa lạc tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), là khu liên hợp sản xuất ô tô lớn thứ 3 trên thế giới. Vinfast là công ty con của Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, một đế chế bao gồm các lĩnh vực đa dạng như bất động sản, du lịch, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, giáo dục, sản xuất điện thoại thông minh... Ngoài ô tô truyền thống, Vinfast còn sản xuất ô tô điện và xe máy điện.

Vingroup chỉ là một trong nhiều ví dụ về thành tựu kinh tế của Việt Nam trong ba thập kỷ qua. Và trong số các ví dụ khác (Vietjet Air, Vinamilk, Trung Nguyên,...) tất nhiên không thể không kể đến Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel, hiện đang hoạt động tại 10 quốc gia và được công nhận là một trong những công ty viễn thông lớn nhất thế giới.

Sự trợ giúp của Liên hợp quốc đã giúp Việt Nam rất nhiều ở những thời điểm bước ngoặt sau chiến tranh.

Bốn mươi năm trước, bức tranh hoàn toàn khác. Khi trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc vào ngày 20 tháng 9 năm 1977, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới với GDP bình quân đầu người khoảng 100 USD. Trong giai đoạn 1977 - 1986, đất nước này bị các nước phương Tây đặt trong vòng cấm vận sau khi Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ. May mắn thay, 500 triệu đô la nhận được từ sự trợ giúp của Liên hợp quốc đã giúp quốc gia này giải quyết những khó khăn sau chiến tranh.

Các chính sách đổi mới của Đảng Cộng sản đưa ra vào năm 1986 đã dẫn đến việc mở cửa đất nước với thế giới bên ngoài và áp dụng mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mới. Trong ba thập kỷ qua, GDP của Việt Nam tăng với tốc độ bình quân khoảng 7% và GDP bình quân đầu người tăng từ dưới 100 đô la Mỹ năm 1989 lên hơn 2.700 đô la Mỹ vào năm 2019 (Ngân hàng Thế giới), đưa Việt Nam từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá và đói kém thành một nền kinh tế mới nổi được công nhận. Theo Euromonitor International, một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường năng động nhất trên thế giới vào năm 2030. Tăng trưởng GDP dự kiến ​​đạt 91,4% trong giai đoạn 2020-2030 và thu nhập khả dụng đạt 9.740 USD / hộ gia đình vào năm 2030.

Nhận thức rõ vị trí địa chính trị nhạy cảm của mình trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đã rất tích cực trong việc mở rộng quan hệ đối ngoại, hình thành một mạng lưới rộng lớn gồm 30 hệ đối tác chiến lược và toàn diện với các quốc gia khác trên thế giới.

Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ song phương năm 1995 và hiện là đối tác toàn diện. Thương mại song phương Việt - Mỹ đạt khoảng 77 tỷ USD vào năm 2019 so với chỉ 450 triệu USD của năm 1994. Mới đây, Việt Nam đã ký và thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), được coi là hiệp định tự do “tham vọng nhất” trong số các Hiệp định Thương mại mà EU đã từng ký với một nước đang phát triển. Theo truyền thông Nhật Bản, Thủ tướng mới được bổ nhiệm của Nhật Bản Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam và Indonesia cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của mình vào giữa tháng 10, thể hiện uy tín toàn cầu đang lên cao của Việt Nam.

Các sinh viên quốc tế trên xe buýt cùng với hơn 30.000 sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ và hàng triệu sinh viên Việt Nam luôn biết rõ tác động của giáo dục đối với tiến bộ kinh tế của đất nước hình chữ S này. 

Do mức sống và nhu cầu thị trường về nguồn nhân lực có trình độ ngày càng cao, số lượng các trường đại học tại Việt Nam đang tăng nhanh. Mặc dù sự mở rộng nhanh chóng này vấp phải một số chỉ trích từ các học giả  với những lo ngại về chất lượng, nhưng giáo dục đại học của Việt Nam vẫn đang có những bước tiến ổn định.

Bằng cách khắc phục mô hình kiểu Xô Viết, huy động các nguồn tài trợ tư nhân, cho phép sử dụng ngoại ngữ làm phương tiện giảng dạy, thúc đẩy nghiên cứu và công bố khoa học, các trường đại học Việt Nam đang vươn lên trên các bảng xếp hạng uy tín nhất toàn cầu. Năm 2020, Đại học Tôn Đức Thắng được xếp hạng trong TOP 400 theo Bảng xếp hạng chất lượng Đại học Thế giới (Academic Ranking for World Universities) và Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong TOP 1000 theo Times Higher Education.

Các trường đại học Việt Nam đã và đang từng bước thâm nhập vào thị trường giáo dục thế giới, trong đó IFI là một trong những ví dụ điển hình. Được thành lập trên cơ sở hợp nhất Viện tin học Pháp ngữ (Institut de la Francophonie pour l'informatique), đơn vị tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thành lập năm 1993 và Trung tâm các trường đại học Pháp (Pôle universitaire français), thành lập năm 2004. 

IFI gần đây đã lựa chọn một chiến lược toàn cầu đầy tham vọng và trở thành cơ sở giáo dục đại học quốc tế hóa cao tại Việt Nam. IFI hiện là ngôi nhà học thuật cho hàng trăm sinh viên quốc tế đến từ hai mươi quốc gia, theo học các lĩnh vực tiên tiến như công nghệ thông tin, truyền thông số và công nghệ tài chính. Theo Tiến sĩ Đào Tùng, Viện đang hoàn thiện những bước cuối cùng để mở chương trình Thạc sĩ công nghệ thông tin tại Đại học Kinshasa, Congo.

Aolama Mallé là học viên Thạc sĩ Thông tin và truyền thông số. Anh trai của Aolama, Zoumana Mallé, hiện sống ở Paris, cũng là một cựu sinh viên IFI.

“Cách đây 5 năm, khi anh trai tôi tuyên bố sẽ đi học công nghệ thông tin, không ai trong gia đình tôi phản đối quyết định của anh ấy”. Aolama nói. “Bố mẹ tôi là trí thức. Họ có đọc về Việt Nam và biết rằng đất nước này đã đạt được một số tiến bộ. Nhưng khi anh tôi gửi về những bức ảnh chụp tại Việt Nam, tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên về những gì đất nước đã làm được. Chính anh trai tôi đã khuyên tôi nên đến Việt Nam”.

 

James Bortons/ Modern Diplomacy

Link: Vietnam continues its miracle through higher education