Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://ifi.edu.vn


Thư mời viết bài hội thảo quốc tế: “Vai trò của hệ thống thông minh và đa phương tiện trong truyền thông số”

Khoa Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (IFI) tổ chức Hội thảo quốc tế “Vai trò của hệ thống thông minh và đa phương tiện trong truyền thông số”, Hội thảo diễn ra vào ngày 20/9/2023 tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo khoa học liên ngành DAAS (Diderot Advanced Academic Seminars) do IFI khởi xướng, được Đại học Quốc gia Hà Nội bảo trợ.

GIỚI THIỆU CHUNG

Làn sóng chuyển đổi số đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, trong đó có truyền thông. Truyền thông số ra đời dựa trên việc sử dụng các công nghệ số được thể hiện qua các hệ thống thông minh và đa phương tiện như internet, phần mềm, ứng dụng di động, mạng xã hội và các công nghệ truyền thông khác để tạo ra, phân phối và quảng bá các thông tin, nội dung và sản phẩm. Từ đây, thói quen tiếp cận thông tin của công chúng cũng thay đổi. Theo đó, một loạt các phương tiện, hình thức truyền thông mới được hình thành theo chiến lược và tư duy truyền thông 4.0 nhằm phục vụ mục đích thích nghi và phát triển của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.

Tư duy đổi mới, xã hội hóa trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm truyền thông cũng đang tạo ra diện mạo mới, đồng thời là những thách thức mới cho ngành truyền thông cũng như việc quản lý truyền thông ở Việt Nam và các quốc gia khác. Hoạt động truyền thông chuyên nghiệp cũng dần thay đổi sang giai đoạn phân mảnh quá trình “tập trung” của công chúng, chuyển dịch từ các kênh truyền thông đại chúng (như báo chí, truyền hình, phát thanh,...) sang các kênh truyền thông cá nhân. Với mục đích cập nhật, lan tỏa thông tin chính xác nhất đến đông đảo công chúng, kết nối với người dân và tiếp cận những đối tượng mục tiêu khác, việc ứng dụng các hệ thống thông minh và đa phương tiện nhằm sáng tạo nội dung số mới mẻ, hấp dẫn trên các nền tảng truyền thông số trở ưu tiên hàng đầu trong chiến lược truyền thông của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay cho thấy mỗi cá nhân đều có cơ hội trở thành một "nhà sản xuất nội dung", trực tiếp đăng tải trên các nền tảng số. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thuận lợi thì tồn tại không ít thách thức như tin giả, tin chưa được kiểm chứng, bảo mật thông tin cá nhân, vấn đề bản quyền… Điều này đã phần nào tạo ra những làn sóng tiêu cực trong dư luận, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Bởi vậy, người làm truyền thông chuyên nghiệp và quản lý truyền thông trong bối cảnh hiện nay cần có nhận thức về các tư duy số, ý thức số trong nghiệp vụ quản trị truyền thông số để bắt kịp các hành vi số mới của xã hội.

MỜI VIẾT BÀI

Với mục đích trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và chuyên môn học thuật về chủ đề này, ban Tổ chức Hội thảo trân trọng kính mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ giảng viên,... tham gia đóng góp nội dung cho Hội thảo. Các bài viết có chất lượng sẽ được đăng trong Kỷ yếu chuỗi Hội thảo DAAS-2023 (có số ISBN và ISSN 2734-9969) và các bài viết xuất sắc sẽ được đăng trên Ấn phẩm Khoa học Cộng đồng Pháp ngữ tại Châu Á - Thái Bình Dương (ISBN quốc tế và ISSN 2525-2488).

Chủ đề của bài viết bao gồm nhưng không giới hạn trong các vấn đề sau:

  • Làm rõ khái niệm hệ thống thông minh và đa phương tiện, truyền thông số;
  • Tìm hiểu bối cảnh xu thế truyền thông số, truyền thông đa phương tiện hiện nay, từ đó làm rõ mối quan hệ giữa hệ thống thông minh, đa phương tiện và truyền thông số;
  • Nghiên cứu và phân tích các ứng dụng hiện có của hệ thống thông minh và đa phương tiện trong truyền thông số, bao gồm cả các ứng dụng trong truyền thông xã hội, quảng cáo, marketing và phân phối nội dung;
  • Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, những bài toán mới của truyền thông trong kỷ nguyên số thông qua những ví dụ, bài học về việc ứng dụng hệ thống thông minh và đa phương tiện cũng như công tác sáng tạo nội dung số và truyền thông số;
  • Đề xuất các giải pháp mới và sáng tạo cho công tác sử dụng các hệ thống thông minh và đa phương tiện trong truyền thông số, bao gồm cả các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), khai thác dữ liệu, học sâu, thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR);
  • Tìm hiểu các vấn đề liên quan đến đạo đức và trách nhiệm xã hội của việc sử dụng hệ thống thông minh và đa phương tiện trong truyền thông số, bao gồm các vấn đề về quyền riêng tư, ảnh hưởng đến tâm lý và phân biệt đối xử;
  • Chỉ ra vai trò của nhà nước và các bên liên quan, đưa ra các khuyến nghị, đề xuất trong việc đẩy mạnh truyền thông “sạch”, ứng dụng hệ thống thông minh và đa phương tiện trong truyền thông số.

Thời hạn gửi đề xuất, toàn văn tham luận:

  • Thời hạn gửi đề xuất tham luận:    01/9/2023
  • Thời hạn gửi toàn văn tham luận:  10/9/2023

Thể lệ đối với bài đề xuất tham luận và toàn văn tham luận: 

  • Đề xuất tham luận (tên bài viết, tên tiểu mục, từ khoá): không quá 500 từ
  • Toàn văn tham luận (không kể tên bài, tóm tắt và từ khóa): không quá 5000 từ
  • Toàn văn tham luận được soạn thảo dưới dạng .docx, không cách dòng, kèm theo họ tên tác giả, số điện thoại, cơ quan công tác.
  • Hình thức bài viết: Bài viết được trình bày với cỡ chữ 13 giãn dòng Single, sử dụng font chữ Times New Roman. Căn lề: trên 2 cm; dưới 2 cm; phải 2 cm; trái 3 cm. Các trang, hình, bảng biểu phải được đánh số rõ ràng, chính xác.
  • Ngôn ngữ trình bày tham luận: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp
  • Lệ phí thẩm định đăng kỷ yếu: 1.000.000 đồng/bài.
  • Hướng dẫn trình bày Đề xuất và toàn văn tham luận

Địa chỉ liên hệ và gửi bài viết:

Mrs. Đào Anh Thư

Trung tâm Tư vấn Xúc tiến và Chuyển giao Khoa học Công nghệ (IFI-BRAIN)
Khoa Quốc tế Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Phòng 109, nhà E5, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, CầuGiấy, Hà Nội
Điện thoại: 0243 745 0173 (máy lẻ: 309); Di động: 096.276.4080
Email tiếp nhận bài viết: anhthu.dao@vnu.edu.vn (cc: brain.ifi@vnu.edu.vn)

Tác giả bài viết: IFI-BRAN