Ra mắt số đầu tiên của ấn phẩm khoa học "Cộng đồng Pháp ngữ tại Châu Á-Thái bình dương”
- Thứ sáu - 10/11/2017 08:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Cộng đồng Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương” (FAP - ISSN: 2525-2488/ ISBN: 978-62-9252-4) là một ấn phẩm khoa học liên ngành, bình duyệt đồng cấp của Viện Quốc tế Pháp ngữ - Ðại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với Nhà xuất bản Ðại học Provence thuộc Ðại học Aix-Marseille (Cộng hòa Pháp). Là một diễn đàn khoa học, FAP có chức năng công bố các bài báo khoa học chất lượng cao liên quan đến Cộng đồng Pháp ngữ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Hội đồng biên tập của ấn phẩm gồm những giáo sư, nhà nghiên cứu hàng đầu quốc tế và Việt Nam.
Ấn phẩm FAP xuất bản mỗi năm 2 lần (tháng 3 và tháng 9 hàng năm). Ấn phẩm gồm các mục khác nhau : Không gian Pháp ngữ, Kinh tế và phát triển, Khoa học và Công nghệ, Lịch sử, Văn hóa nghệ thuật, Tư tưởng, Ðiểm sách, Di sản... trong đó mục “Không gian Pháp ngữ” có các chủ đề riêng biệt theo từng số. Sau số đầu tiên với chủ đề “Văn học Việt Nam Pháp ngữ”, các số tiếp theo của ấn phẩm này sẽ có các chủ đề khác như: Kiến trúc Pháp tại Châu Á - Thái Bình Dương (tháng 3/2018), Sân khấu kịch Pháp và Pháp ngữ tại Ðông Dương (tháng 9/2018), Ðào tạo đại học Pháp và Pháp ngữ trong bối cảnh toàn cầu hóa (tháng 3/2019), Vĩnh Bang, hành trình kỳ lạ từ một hoàng thân phương Ðông đến một nhà tâm lý sư phạm Thụy Sĩ (tháng 9/2019).
Các diễn giả chính của buổi tọa đàm là Giáo sư Corinne Flicker (Đại học Aix-Marseille, Cộng hòa Pháp), chuyên gia về sân khấu kịch Pháp hiện đại và đương đại, đã có nhiều nghiên cứu về sân khấu Việt Nam và Đông Dương; Giáo sư Tôn Thất Thanh Vân (Ðại học Paris - Est Créteil Val de Marne), chuyên gia về văn học so sánh và Pháp ngữ, đã có nhiều nghiên cứu về các nhà văn thế kỷ 19 và 20, đặc biệt là Proust, đồng thời dành nhiều quan tâm đến các nhà văn Việt Nam viết bằng tiếng Pháp; và Tiến sĩ Ngô Tự Lập (Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ), nhà văn và nhà nghiên cứu, đồng thời là dịch giả tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Pháp.
Trong vòng hơn một giờ, các diễn giả cùng cử tọa đã có một cuộc thảo luận sôi nổi hiếm có về lịch sử hình thành, phát triển và tương lai của nền văn học Việt Nam Pháp ngữ, cùng với những ý kiến và phân tích sâu sắc về nền văn học độc đáo và quan trọng nhưng còn ít được nghiên cứu này.
Rất nhiều khách mời cảm thấy thú vị và hứng khởi khi biết rằng nền Văn học Việt Nam Pháp ngữ là một kho tàng rất phong phú với hơn 400 tác phẩm với mọi thể loại. Những tác phẩm đầu tiên được in từ năm 1913 như tập “Truyện cổ và huyền thoại xứ Annam” (Contes et légendes du Pays d’Annam) của Lê Văn Phát và tập thơ “Những ngày giờ đã mất” (Mes heures perdues) của Nguyễn Văn Xiêm.
Một điều hết sức thú vị khác được phát hiện và trình bày của học giả Ngô Tự Lập là chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một trong những tác giả sớm và tài năng nhất của nền văn học này. Những tập truyện của người đăng trên báo Pháp từ năm 1921 như “Người biết mùi hun khói”, “Lời than thở của bà Trưng Trắc” chỉ một năm sau sự ra đời tập tự truyện đầu tiên bằng tiếng Pháp “Mademoiselle Lys” của Nguyễn Phan Long và sớm hơn nhiều so với “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách (1925) hay tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn những năm 1930.
Nền văn học này cũng cống hiến những tên tuổi thú vị như Phạm Duy Khiêm với “Légendes des terres sereine” đoạt giải Văn chương Đông Dương (Prix littéraire de l'Indochine). Một tên tuổi khác cũng được xướng danh là Phạm Văn Ký được rất nhiều giải từ thơ, kịch, văn chương được xuất bản ở các nhà xuất bản lớn nhất của Pháp.
Các học giả cũng phân tích về xu hướng thoái trào của nền văn học này do tâm lý hậu thuộc địa cũng như sự suy yếu của Pháp ở Đông Dương. Tác giả còn sót lại trong thời điểm này là Cung Giữ Nguyên song tên tuổi và các tác phẩm của ông chủ yếu được những học trò gìn giữ và lăng xê.
Theo các diễn giả của lễ ra mắt, bà Corrine Flicker và bà Tôn Thất Thanh Vân cùng hứng khởi trình bày về sự khởi sắc của nền Văn học Việt Nam Pháp ngữ trong thời gian gần đây. Rất nhiều tác giả gốc Việt ở các nước Pháp, Canada, Bỉ và các nước khác đang sáng tác bằng tiếng Pháp. Lý giải điều này, học giả Ngô Tự Lập đã biện dẫn về tính song trùng của các nhà văn. Thứ nhất đó là sự khắc khoải về cội nguồn dân tộc Việt Nam, cảm giác mong muốn và đóng góp cho xã hội Việt Nam. Thứ hai đó là cách nhìn về nền văn học Việt Nam bằng tiếng nước ngoài trong bối cảnh xa cách quê hương – phân tích, cảm nhận và sáng tác bằng tiếng Pháp tạo ra một xúc cảm khác biệt.
Trường hợp xuất sắc nhất hiện nay của dòng văn này như Trần Minh Huy, Kim Thúy và đặc biệt là Linda Lê cũng được phân tích sống động. Trong phần này, các tác giả còn phân tích được sự thành công của Alain Guillemin và Jack A. Yeager khi đã tổng hợp được một bức tranh tổng quan về dòng văn học Việt Nam Pháp ngữ. Một công trình rất có ý nghĩa cho nền Văn học Việt Nam nói chung và văn học Việt Nam Pháp ngữ nói riêng.
Bên cạnh lĩnh vực văn chương, ấn phẩm FAP còn hàng loạt chủ đề về các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, công nghệ thông tin với nhiều bài viết rất hấp dẫn. Đây là một thành công của Viện Quốc tế Pháp ngữ trên con đường xây dựng Viện trở thành một trung tâm nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực. Ấn phẩm FAP đang mời các nhà nghiên cứu viết bài cho các số tiếp theo. Số thứ 2 dự kiến xuất bản vào tháng 3/2018 với chủ đề về kiến trúc Pháp tại Đông Dương. Mọi thông tin về ấn phẩm có thể tham khảo trên trang web http://ifi.edu.vn/vi/news/Tap-chi-FAP./.