10 sự kiện tiêu biểu của VNU-IFI trong năm 2024
- Thứ sáu - 03/01/2025 18:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1. Chào đón tân sinh viên ngành Kinh doanh số và Truyền thông số - Bước chuyển mình mạnh mẽ của VNU-IFI
Trong không khí hân hoan của mùa tựu trường, ngày 28 và 29/8/2024, VNU-IFI đã tổ chức ngày hội chào đón tân sinh viên Khóa 31 ngành Kinh doanh số và Truyền thông số. Đây là sự kiện đặc biệt, đánh dấu sự khởi đầu của hành trình học tập và phát triển của các bạn sinh viên, đồng thời là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của VNU-IFI. Năm 2024 là năm đầu tiên VNU-IFI tuyển sinh cử nhân cho các ngành Kinh doanh số và Truyền thông số, một bước đổi mới quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong thời đại số hóa.
Không khí sôi nổi của ngày hội chào đón tân sinh viên 2024
Ngành Truyền thông số và Kinh doanh số là một trong những ngành học mũi nhọn của VNU-IFI, với chương trình học được thiết kế bài bản, cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng thiết yếu về truyền thông số, marketing số, thương mại điện tử, quản lý dự án số và nhiều lĩnh vực liên quan khác.
Tân sinh viên hân hoan, phấn khởi trong ngày đầu nhập học tại VNU-IFI
Tuần lễ hội nhập dành cho sinh viên Khóa 31 VNU-IFI
Ban lãnh đạo, đội ngũ giảng viên, cán bộ nhân viên của VNU-IFI hoàn toàn tin tưởng rằng, với sự quyết tâm và kế hoạch học tập của mình, cùng hệ thống giáo dục tiên tiến mà nhà trường đồng hành, các tân sinh viên sẽ biến những ước mơ, kế hoạch của mình thành hiện thực. Từ đó, các em sẽ xây dựng sự nghiệp vững chắc, trở thành chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, đồng thời viết tiếp truyền thống vẻ vang của các thế hệ IFI-ers.
Chào mừng tân sinh viên ngành Truyền thông số và Kinh doanh số K31 VNU-IFI tựu trường
Tuần lễ hội nhập cho tân sinh viên K31 tại VNU-IFI: Khởi đầu hành trình học tập đầy triển vọng
2. Lễ trao bằng đáng nhớ tại Pháp của học viên Thạc sĩ FINTECH
Ngày 16/3/2024, các học viên chương trình Thạc sĩ Ngân hàng, Tài chính và Công nghệ tài chính (FINTECH) do VNU-IFI và Trường Quản lý Normandie (EM Normandie) liên kết đào tạo đã tham dự lễ trao bằng tốt nghiệp tại Trung tâm Hội nghị Deauville, Normandie, Pháp. Lễ trao bằng diễn ra trang trọng, quy tụ hơn 2300 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh từ các phân hiệu của EM Normandie trên toàn thế giới. Chị Lý Thị Phượng, tân Thạc sĩ Khóa 1 chia sẻ: "Hội trường đông kín ghế, ai cũng hạnh phúc, đặc biệt khi nhìn thấy sự vui mừng của các bậc phụ huynh."
Học viên Thạc sĩ FINTECH nhận bằng tốt nghiệp tại Pháp
Ngoài tham gia lễ trao bằng, đoàn IFI còn tham quan khuôn viên của EM Normandie tại Le Havre, Pháp, đồng thời tham các địa danh nổi tiếng của Pháp và Châu Âu, như Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, núi tuyết Thụy Sĩ.
Đoàn học viên Thạc sĩ FINTECH của VNU-IFI tham quan các địa danh nổi tiếng trong chuyến đi nhận bằng tại Pháp
EM Normandie với sự công nhận của các tổ chức uy tín như AMBA, AACSB và EQUIS, là một trong những trường kinh doanh hàng đầu tại Châu Âu. VNU-IFI tự hào là đối tác đào tạo lâu dài của EM Normandie với chương trình Thạc sĩ FINTECH là một minh chứng cho sự hợp tác thành công giữa hai bên.
Chuyến đi nhận bằng tại Pháp khép lại với nhiều kỷ niệm đáng nhớ, mở ra cơ hội mới cho các học viên và sự phát triển của IFI.
Lễ trao bằng tại Pháp đáng nhớ của học viên Thạc sĩ FINTECH
3. Fintech Gala 2024 - Khẳng định vị thế tiên phong trong đào tạo Công nghệ tài chính
Ngày 13/7/2024, VNU-IFI phối hợp cùng EM Normandie tổ chức Fintech Gala 2024 với nhiều hoạt động đặc biệt: Trao bằng tốt nghiệp cho học viên Khóa 1-2, Khai giảng Khóa 4 và gặp mặt học viên Khóa 3, chương trình Thạc sĩ Ngân hàng, Tài chính và Công nghệ tài chính (FINTECH). Sự kiện có sự tham gia của Ban lãnh đạo ĐHQGHN, VNU-IFI, EM Normandie cùng hơn 100 học viên và tân thạc sĩ.
Fintech Gala 2024
Sau ba khóa đào tạo, chương trình đã khẳng định chất lượng, góp phần đào tạo ra nhiều chuyên gia Fintech tài năng. Học viên tốt nghiệp từ chương trình hiện đang làm việc tại các tổ chức tài chính, công nghệ, ngân hàng hàng đầu trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Fintech. VNU-IFI tự hào khi chào đón khóa đầu tiên gồm 20 sinh viên tốt nghiệp, những người tiên phong đam mê lĩnh vực Fintech. Khóa 4 của chương trình tiếp tục kế thừa và phát triển những giá trị đó, với mục tiêu đào tạo những chuyên gia xuất sắc, sẵn sàng đối mặt với các thách thức mới.
Thủ khoa toàn Khóa I, chị Lương Thủy Tiên, giảng viên Học viện FPT tại Đà Nẵng, chia sẻ đây là một ngày đặc biệt, cô vinh dự là một trong những học viên đầu tiên của chương trình thạc sĩ Fintech tại Khoa Quốc tế Pháp ngữ. Mặc dù học trong thời gian dịch COVID-19, nhà trường luôn hỗ trợ để học viên nắm vững kiến thức lý thuyết và thực tiễn. Học viên còn được học trực tiếp với các chuyên gia quốc tế và gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp nước ngoài, giúp tăng cường tính thực tiễn trong công việc.
Những thành quả đạt được của các học viên là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực không ngừng và tinh thần học tập nghiêm túc. Với những kiến thức và kỹ năng đã được trang bị, các học viên bước ra từ chương trình Thạc sĩ FINTECH sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp và đóng góp tích cực cho ngành tài chính công nghệ. Fintech Gala đã diễn ra vô cùng ý nghĩa trong không khí trang trọng, tràn ngập niềm vui và sự tự hào.
Khai giảng Chương trình Thạc sĩ Fintech khóa 4 và trao bằng tốt nghiệp Thạc sĩ Fintech khóa 1, 2
4. Diễn đàn quốc tế Franconomics trở lại đầy ấn tượng, tiếp tục khẳng định vai trò uy tín với chủ đề xoay quanh những vấn đề thời sự của xã hội,
Trải qua 5 mùa tổ chức thành công, ngày 16/10/2024, Diễn đàn quốc tế Franconomics trở lại với chủ đề “Năng lượng tái tạo: Kịch bản cho tương lai xanh”. Sự kiện được VNU-IFI; Trung tâm Trí tuệ Môi trường (CEI), trường Đại học VinUni và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) đồng tổ chức với sự đồng hành của Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF), Đại học Jean Moulin Lyon 3; Quỹ Vì tương lai xanh; Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD); Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam; Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) và Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Diễn đàn quốc tế Franconomics trở lại với chủ đề “Năng lượng tái tạo: Kịch bản cho tương lai xanh”
Xoay quanh các vấn đề về năng lượng tái tạo và phát triển bền vững, chủ đề của Franconomics - 2024 không chỉ phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu mà còn góp phần quan trọng vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam và quốc tế. Diễn đàn tiếp tục duy trì vai trò là diễn đàn kết nối giữa các doanh nghiệp, trường đại học và chính phủ, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nước thuộc khu vực Bắc-Nam và Nam-Nam. Sự kiện năm nay thu hút sự tham gia đông đảo từ các tổ chức quốc tế, trường đại học và các chuyên gia, với hai trọng tâm chính: năng lượng tái tạo và phát triển bền bền vững. Đặc biệt, cuộc thi ÉCOJEUNES 2024, dành cho các bạn trẻ là một điểm mới nhằm khuyến khích thế hệ trẻ tham gia bảo vệ môi trường và hướng tới một tương lai xanh.
Cũng trong khuôn khổ của Franconomics - 2024, sáng ngày 17/10/2024, đoàn chuyên gia IFI cùng các khách mời đã có chuyến tham quan tại nhà máy Thủy điện Hòa Bình – công trình thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á của thế kỷ XX. Chuyến tham quan có ý nghĩa thiết thực, liên quan mật thiết với chủ đề của Franconomics-2024.Thủy điện Hòa Bình không chỉ là minh chứng sống động cho tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, mà còn là biểu trưng cho việc hợp tác quốc tế của Việt Nam với các nước trên thế giới.
Tham quan Nhà máy Thủy điện Hòa Bình
Franconomics - 2024 không chỉ là nơi chia sẻ tri thức mà còn tạo diễn đàn để các đối tác trong và ngoài nước thảo luận sâu sắc về các giải pháp sáng tạo. Đặc biệt, sự kiện ghi nhận sự tham gia của các đại biểu từ các Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, trường đại học, doanh nghiệp, và báo chí từ khắp nơi trên thế giới. Đây là minh chứng cho tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Franconomics. Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Ngài Olivier Brochet nhận định: “Franconomics không chỉ là nơi đối thoại, mà còn là cầu nối quan trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế.”
Diễn đàn quốc tế Franconomics trở lại với chủ đề “Năng lượng tái tạo: Kịch bản cho tương lai xanh”
5. Khai giảng chương trình đào tạo ngắn hạn “Kiểm thử phần mềm (Software Tester)”
Trong năm 2024, VNU-IFI tiếp tục xây dựng và củng cố các giá trị cốt lõi, trong đó có trách nhiệm xã hội. Ngày 09/3/2024, tại VNU-IFI đã diễn ra Lễ khai giảng Khóa đào tạo Kiểm thử phần mềm (Software Tester) với sự tham dự của các đại biểu từ Đại sứ quán Pháp, Hội Hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Pháp (AACFV), Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) và Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX. Đây là khoá đào tạo nằm trong khuôn khổ chương trình “Hỗ trợ tài năng Việt Nam” (Solidarité Talents Vietnam - STVN) do VNU-IFI và AAFV hợp tác triển khai.
Lễ khai giảng Khóa đào tạo “Kiểm thử phần mềm” năm học 2023-2024
STVN là dự án đào tạo nghề ngắn hạn rất có ý nghĩa với xã hội khi hướng tới các bạn trẻ từ 18 đến 30 tuổi, đam mê và hứng thú với các công việc trong lĩnh vực công nghệ số nhưng chưa có điều kiện thuận lợi. Thời gian của khóa đào tạo là 6 tháng với hệ thống kiến thức chuyên ngành toàn diện, chất lượng cũng như các kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Học viên sau khi hoàn thành khóa học sẽ có đủ năng lực công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các công ty tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Là học viên nhận học bổng toàn phần, chị Nguyễn Thị Hương Giang gửi lời cảm ơn tới các nhà tài trợ và các Thầy, Cô của chương trình đã mang đến cơ hội học tập và phát triển cho các học viên. Chị Hương Giang cam kết sẽ tận dụng mọi cơ hội để học hỏi, hoàn thiện bản thân và trở thành người có ích cho xã hội. Chị cũng hy vọng có thể trở thành người hỗ trợ cho các thế hệ kế tiếp, từ đó tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng.
Lễ khai giảng Khóa đào tạo ngắn hạn Kiểm thử phần mềm (Software Tester) - Năm học 2023-2024
6. Khai giảng Khóa 2 chương trình "Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số cấp cao”
Ngày 21/9/2024, VNU-IFI tổ chức lễ khai giảng Khóa 2 chương trình "Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số cấp cao (DX TOT)". Đây là chương trình đào tạo chuyên biệt do VNU-IFI phối hợp cùng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyển đổi số chất lượng cao tại Việt Nam.
Khai giảng Khóa 2 chương trình "Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số cấp cao”
Chương trình cung cấp kiến thức nền tảng và phương pháp tư duy về chuyển đổi số, giúp học viên phát triển kỹ năng và công cụ để tư vấn, đào tạo và phát triển giải pháp số hóa trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, học viên còn được đào tạo về phương pháp xây dựng các khuôn khổ và mô hình thống nhất nhằm chuẩn hóa các chương trình tư vấn chuyển đổi số tại Việt Nam.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng DTSI cho biết mục tiêu ban đầu của ông khi soạn thảo dự thảo chuyển đổi số quốc gia là đào tạo 1.000 cán bộ chuyển đổi số. Từ tháng 9/2023, DTSI đã phối hợp VNU-IFI khởi động Khóa 1 chương trình DX TOT. "Mong muốn của tôi không chỉ là tổ chức lớp học mà là tạo cộng đồng chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, góp phần vào phát triển bền vững của Việt Nam.", ông Giang chia sẻ. Chương trình DX TOT Khóa 2 sẽ mở rộng đầu vào, giữ yêu cầu đầu ra khắt khe với ba kỳ thi và 48 buổi đào tạo, tập trung thay đổi tư duy học viên, giúp họ nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên số. Viện trưởng DTSI cũng tiết lộ sẽ có các khóa học đặc thù mới như chuyển đổi số dành cho an toàn vệ sinh, đô thị thông minh và giáo dục.
Khai giảng Khóa 2 chương trình "Chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số cấp cao”
7. Tăng cường trải nghiệm văn hóa cho học viên quốc tế
Trong quá trình học tập tại VNU-IFI, các học viên quốc tế không chỉ được trau dồi kiến thức chuyên môn mà còn có cơ hội khám phá, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống và con người Việt Nam qua các hoạt động bổ ích như tham quan Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng Dân tộc học, tham gia giải bóng đá giao hữu, trình diễn văn nghệ và đặc biệt nhất là diễn xuất trong bộ phim “Đào, Phở và Piano” của đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn. Tham gia đóng phim gồm có các học viên Togo, Cameroun và Sénégal hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ Công nghệ thông tin, chuyên ngành Hệ thống thông minh và Đa phương tiện (SIM) do VNU-IFI và Đại học La Rochelle (Pháp) hợp tác triển khai.
Học viên quốc tế VNU-IFI trên phim trường “Đào, phở và piano”
“Đào, Phở và Piano” là bộ phim lịch sử tái hiện trận chiến 60 ngày đêm quả cảm của quân và dân Hà Nội cuối năm 1946, ca ngợi lòng yêu nước và phẩm chất tốt đẹp của người dân thủ đô. Học viên Nitcheu Monkam Junior, Khóa 25 chương trình Thạc sĩ SIM đã có những cảm nhận sâu sắc khi tham gia vào dự án đặc biệt này: “Đóng phim là trải nghiệm tuyệt vời giúp tôi hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa Việt Nam.” Bộ phim đã trở thành “hiện tượng phòng vé” đầu năm 2024, thu hút hàng chục nghìn lượt xem tại rạp và hàng trăm ngàn lượt thảo luận trên các nền tảng số.
Học viên quốc tế của IFI tham gia diễn xuất trong phim “Đào, phở và piano”
8. Hội thảo quốc tế “Dấu ấn Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ”
Ngày 22/5/2024, VNU-IFI đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Dấu ấn Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ” với sự đồng hành của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF), Đại học Jean Moulin Lyon 3, Pháp. Hội thảo được tổ chức nhằm hướng tới Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 tại Villers-Cotterêts, Pháp. Sự kiện cũng mở đầu chuỗi hội thảo khoa học liên ngành quốc tế DAAS năm 2024 (Diderot Advanced Academic Seminars) do VNU-IFI khởi xướng, được ĐHQGHN bảo trợ.
Hội thảo quốc tế “Dấu ấn Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ”
Việt Nam là một thành viên tích cực với lịch sử giao lưu văn hóa, giáo dục và hợp tác kinh tế phong phú với các quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ. Từ cuối thế kỷ 19, khi Việt Nam trở thành một phần của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, tiếng Pháp đã trở thành một ngôn ngữ quan trọng trong hệ thống giáo dục và hành chính của Việt Nam. Sau khi giành được độc lập, Việt Nam tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Cộng đồng Pháp ngữ, và năm 1970 chính thức trở thành thành viên của OIF. VNU-IFI là một ví dụ điển hình về sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ với hơn 30 năm hình thành và phát triển, đóng góp đáng kể vào việc đào tạo, hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật trong cộng đồng nói tiếng Pháp của khu vực và trên toàn thế giới. Hội thảo quốc tế “Dấu ấn Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ” do VNU-IFI phối hợp cùng OIF và 2IF là dịp để khẳng định vai trò của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ và đưa ra các khuyến nghị về quan hệ hợp tác tương lai.
Sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp, mang đến không gian bổ ích để chia sẻ, học hỏi và phát triển mối quan hệ của Việt Nam và khối Pháp ngữ.
Hội thảo quốc tế “Dấu ấn Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ”
9. Hội thảo Quốc tế “Giáo dục Đại học 5.0: đổi mới và thích ứng vì tương lai”
Ngày 21/8/2024, Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp cùng Đại học Krirk (Thái Lan) và Viện Nghiên cứu Nhịp cầu tri thức (KBERI) tổ chức Hội thảo quốc tế “Giáo dục đại học 5.0: Đổi mới và thích ứng vì tương lai”. Sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo khoa học liên ngành DAAS do IFI khởi xướng, được ĐHQGHN bảo trợ.
Hội thảo quốc tế “Giáo dục đại học 5.0: Đổi mới và thích ứng vì tương lai”
Phát biểu tại Hội thảo TS. Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi giáo dục đại học để đáp ứng yêu cầu của thời đại Công nghiệp 5.0. TS. Phùng Danh Thắng cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật, Giáo dục 5.0 không chỉ là việc ứng dụng công nghệ mà còn phải tập trung phát triển con người toàn diện, nâng cao kỹ năng sống, tư duy phản biện và sáng tạo. Ông cũng chỉ ra những thách thức như cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng và sự chênh lệch trong tiếp cận công nghệ. Để giải quyết những vấn đề này, cần có chiến lược toàn diện và tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, TS. Phùng Danh Thắng cũng khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng các trường đại học trong quá trình chuyển đổi này.
Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với các cuộc trao đổi, thảo luận và kết nối giữa các bên, trong đó các diễn giả đã đưa ra nhiều sáng kiến, mô hình thiết thực để các cơ sở giáo dục đại học có thể nghiên cứu và áp dụng. Các đóng góp này sẽ thúc đẩy hợp tác và xây dựng nền tảng vững chắc cho giáo dục đại học 5.0, góp phần xây dựng một hệ thống giáo dục hiện đại và nhân văn.
Hội thảo quốc tế “Giáo dục đại học 5.0: Đổi mới và thích ứng vì tương lai”
10. Hội thảo quốc tế "Doanh nghiệp xanh: Biến cam kết thành động lực"
Chiều ngày 17/10/2024, tại Hòa Bình, VNU-IFI phối hợp cùng Trung tâm Trí tuệ Môi trường (CEI), trường Đại học VinUni và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF), Đại học Jean Moulin Lyon 3, Quỹ Vì tương lai xanh, Cơ quan Pháp triển Pháp tại Việt Nam (AFD), Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) và Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC) - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo quốc tế "Doanh nghiệp xanh: Biến cam kết thành động lực".
"Doanh nghiệp xanh: Biến cam kết thành động lực"
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ đã giới thiệu về vai trò của IFI trong việc nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và địa phương để cùng đối thoại, trao đổi và đề xuất những cơ hội hợp tác đa ngành. TS. Thắng cũng chia sẻ về lý do lựa chọn Hòa Bình là địa điểm tổ chức Hội thảo là bởi tỉnh không chỉ có Thủy điện Hòa Bình - công trình tiêu biểu về năng lượng tái tạo mà còn có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế thông qua du lịch sinh thái và du lịch xanh. Do đó, Chủ nhiệm Khoa hy vọng Hội thảo sẽ mở ra những kết nối mới giữa Hòa Bình và IFI nói riêng cũng như với ĐHQGHN nói chung, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xanh tại địa phương thông qua các hoạt động hợp tác và chuyển giao khoa học công nghệ.