Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://ifi.edu.vn


Bước tiến mới trong chuẩn hoá giáo viên trình độ quốc tế

Với mong muốn đóng góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng đội ngũ giáo viên có đầy đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp tiếp cận chuẩn quốc tế...
Với mong muốn đóng góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng đội ngũ giáo viên có đầy đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp tiếp cận chuẩn quốc tế và vận dụng được vào điều kiện của Việt Nam ở nhiều địa bàn khác nhau, năm 2008, ĐHQGHN đã giao cho Khoa Sư phạm (nay là Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN) nghiên cứu và triển khai dự án "Xây dựng quy trình và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên các trường THPT chuyên tiếp cận chuẩn quốc tế". Đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện, dự án đã thu được những kết quả khả quan, có giá trị thực tiễn cao. Phóng viên Website ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thị Ngọc Bích - Trưởng phòng NCKH và Hợp tác quốc tế - Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN về ý nghĩa và vai trò của dự án với thực tiễn.

- Thưa Tiến sỹ, xin Tiến sỹ cho biết những thông tin chung về dự án?

 

 

“Quy trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên trường THPT chuyên tiếp cận chuẩn quốc tế” là sản phẩm nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tri thức và kinh nghiệm trên cơ sở hợp tác nghiên cứu và đào tạo quốc tế của Khoa Sư phạm (nay là Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN) với Trung tâm khảo thí quốc tế của Đại học Cambridge, Anh (UK, University of Cambridge, Cambridge International Examinations) và với hai tác giả của cách tiếp cận Sư phạm tương tác trong dạy học là Jean-Marc Denomme và Madeleine Roy - Đại học Québec ở Trois-Rivieres, Canada. Quy trình này được xây dựng dựa trên cơ sở chuyển giao chương trình huấn luyện giáo viên và chuyên gia đào tạo của Trung tâm Khảo thí quốc tế của Đại học Cambridge cho nhóm các giảng viên của Trường ĐH Giáo dục và trực tiếp hợp tác với hai tác giả để chuyển giao cách tiếp cận và cơ sở khoa học trong dạy học theo quan điểm Sư phạm tương tác cho các trường đại học Việt Nam. Sau khi các trao đổi và hợp tác chuyển giao, lãnh đạo và đội ngũ giảng viên của Khoa Sư phạm trước đây và nay là Trường ĐH Giáo dục đã thấy rõ tính khoa học và chuẩn mực trong quy trình chuẩn bị dạy học nên đã quyết định nghiên cứu chuyển giao. Các cách tiếp cận và chương trình huấn luyện quốc tế này được các giảng viên của Trường ĐH Giáo dục chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn dạy học ở Việt Nam (trên cơ sở kết quả khảo sát giáo viên và học sinh của các trường) và phù hợp với chuẩn nghề nghiệp của giáo viên THPT Việt Nam. Đây là sản phẩm của sự chỉ đạo và hợp tác rất hiệu quả của nhóm lãnh đạo và các giảng viên trong Trường như: GS.TS Nguyễn Đức Chính, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, PGS.TS Lê Kim Long, PGS. TS Nguyễn Vũ Lương, PGS. TS Trần Khánh Thành... phối hợp với Bộ GD&ĐT và một số trường THPT chuyên trong cả nước.

 

 

- Dự án tập trung nghiên cứu quy trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho GV các trường THPT chuyên tiếp cận chuẩn quốc tế, vậy còn đối với GV các trường THPT không chuyên?

 

 

Thực chất quy trình này phù hợp với tất cả các giáo viên của các loại hình trường và các cấp. Sau khi Dự án hoàn thành giai đoạn tập huấn thử nghiệm, theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT đã mời nhóm giảng viên của Trường ĐH Giáo dục tham gia tập huấn chuyển giao cho gần 2000 giáo viên tại nhiều trường trong cả nước. Chúng tôi chọn các trường chuyên để thực hiện chuyển giao vì muốn xác định được những thách thức thực sự đối với các thầy cô của các trường không chuyên vì các thầy cô trường chuyên thường có những điều kiện tốt hơn. Chúng tôi đã đi tập huấn cho nhiều trường THPT không chuyên và cho các lớp tập huấn giáo viên các cấp khác nhau của Trường Cán bộ Quản lý Hà Nội, kể cả một số trường dân lập đều được đánh giá cao và các giáo viên rất hứng thú với phương pháp dạy học mới này.

 

 

TS có thể nói rõ hơn về mục tiêu đầu tiên của dự án: khảo sát kỹ năng nghề nghiệp của GV các trường THPT chuyên trong việc thực hiện quy trình dạy – học theo chuẩn quốc tế về kỹ năng nghề nghiệp cơ bản?

 

 

Vì dự án của chúng tôi là nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao nên phải chú ý đến tính khả thi và sự phù hợp của xây dựng quy trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên của Việt Nam. Chúng tôi phải thực hiện khảo sát kỹ năng nghề nghiệp của giáo viên dựa theo các tiêu chí năng lực, trong đó có kỹ năng tổ chức hoạt động dạy học là cơ sở rất quan trọng để điều chỉnh và xây dựng chương trình tập huấn phù hợp với những nhu cầu và yêu cầu của các giáo viên và cán bộ quản lý, phù hợp với thực tiễn…

 

 

- Vậy kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế phải đạt được những tiêu chí gì, thưa TS?

 

 

“Kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế” là muốn chỉ rõ những năng lực tổ chức, thực hiện hiệu quả hoạt động dạy học hay kỹ năng thực hiện thành thạo, chuyên nghiệp một quy trình khoa học và có hệ thống các bước để thực hiện tốt dạy học đã được các nhà nghiên cứu giáo dục xác định và được thực tiễn giáo dục trên thế giới khẳng định. Các tiêu chí cơ bản chính là sự thành thạo trong các khâu sau:

 

- Chuẩn bị: Phân tích nhu cầu, tìm hiểu phong cách học của người học, xác định mục tiêu môn học, lập kế hoạch dạy học/đề cương môn học và kịch bản tổ chức hoạt động dạy học tích cực và hiệu quả;

 

- Thực thi xây dựng kế hoạch hay kịch bản dạy học bài học hiệu quả: Xây dựng mục tiêu bài dạy, lựa chọn/cấu trúc nội dung dạy học, lựa chọn hình thức tổ chức dạy học, phương pháp, phương tiện dạy học, hình thức/phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với mục tiêu bài học;

 

- Đánh giá kết quả học tập, đánh giá cải tiến thường xuyên qua từng bài học vì sự thành công của người học.

 

 

Dự án có tính ứng dụng và vai trò như thế nào đối với thực tiễn giảng dạy tại các trường THPT hiện nay?

 

 

Các trường chúng tôi đã đến tập huấn đều đánh giá rất cao quy trình. Sản phẩm của mỗi đợt tập huấn đều là một bộ hồ sơ dạy học môn học (bao gồm kế hoạch dạy học môn học và kịch bản chi tiết của từng bài học…) mà các thầy cô đang dạy (một học kỳ hoặc cả năm). Hiện nay các hồ sơ môn học vẫn đang được thực hiện tốt và rất phù hợp với các yêu cầu mới hiện nay của Bộ GD&ĐT trong đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học. Không chỉ các trường chuyên, nhóm giảng viên của trường được mời đi tập huấn giới thiệu quy trình và thực hành xây dựng hồ sơ môn học như sản phẩm thực của quy trình và thực thi luôn trong thực tiễn dạy học ở rất nhiều trường THPT trong cả nước. Những kết quả của dự án đã hỗ trợ rất nhiều cho các trường và các thầy cô “đi trước đón đầu” cũng như thích ứng rất nhanh với các yêu cầu đổi mới hiện nay.

 

 

- Dự định tiếp theo của nhóm nghiên cứu đối với dự án này là gì, thưa TS?

 

Trước mắt, nhóm nghiên cứu đang cố gắng tăng cường hoạt động quảng bá, xây dựng kế hoạch chuyển giao, tập huấn quy trình. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt vấn đề hợp tác với các Vụ của Bộ GD&ĐT, đặc biệt các Dự án giáo dục để có thể mở rộng chuyển giao, tập huấn, đặc biệt cho các vùng khó khăn. Quy trình và các nội dung tập huấn của Dự án phù hợp với nhiều mục tiêu của các thành phần nâng cao năng lực của các Dự án giáo dục nên sẽ hỗ trợ tốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ tập huấn của Bộ/Sở GD&ĐT nói chung và các Dự án giáo dục của Bộ và Sở/Trường nói riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi không ngừng xác định nhu cầu phát triển chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên theo các chuẩn nghề nghiệp và các yêu cầu mới để điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, nội dung bồi dưỡng, phát triển.

 

- Xin cảm ơn Tiến sỹ về cuộc trao đổi này!

 

 Thiên Bình - VNU Media