(Cổng thông tin đối ngoại) Nhận diện những thách thức và cơ hội đối với giáo dục đại học trong thời đại số
- Thứ hai - 13/09/2021 10:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động khoa học liên ngành thường niên mang tên Diderot (Diderot Advanced Academic Seminars) do Viện Quốc tế Pháp ngữ khởi xướng và được Đại học Quốc gia Hà Nội bảo trợ.
Đây là dịp để các bên cùng nhận diện những thách thức và cơ hội đối với giáo dục đại học trong thời đại số, nhằm đưa ra những đề xuất về chính sách phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam và trên thế giới. Ban Tổ chức hy vọng đây sẽ khởi đầu của những chương trình hợp tác quốc tế dài hạn.
Đồng tổ chức với Viện Quốc tế Pháp ngữ còn có Trường Đại học Kỹ thuật Ostrava (Cộng hòa Séc); Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh); Viện Chính sách và Quản lý (IPAM) – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; CLB Nhà khoa học ĐHQG Hà Nội (VSL) và Viện Nghiên cứu phát triển Ngôn ngữ, Văn hóa và Giáo dục (CLEF). Hội thảo kết nối 4 điểm cầu chính là Viện Quốc tế Pháp ngữ (tại Hà Nội), Trường Đại học Hạ Long (Quảng Ninh), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc) và Viện Chính sách và Quản lý (thuộc Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN).
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ khẳng định: "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó chuyển đổi số, đóng vai trò trung tâm, đang tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn nhân loại. Vì thế, giáo dục đại học cũng buộc phải thay đổi căn bản để đáp ứng yêu cầu của thời đại. Đại dịch Covid-19 là một yếu tố khác làm tăng tốc quá trình chuyển đổi này. Việc tư duy lại về giáo dục đại học, vì thế, đang trở thành một vấn đề cấp bách. Sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu và các vị khách quý tại hội thảo hôm nay là một minh chứng nữa cho điều đó'".
Trong số các diễn giả hôm nay có GS.TS. Lê Anh Vinh (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) với phần trình bày tham luận về Giáo dục đại học Việt Nam và gợi ý những động lực chủ yếu của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học; PGS.TS. Ngô Minh Thủy (Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục - CLEF) với tham luận Chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam: Những thuận lợi, khó khăn và một số giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục nhằm khẳng định tính tất yếu của chuyển đổi trong giáo dục và những yêu cầu về chính sách để đảm bảo chất lượng giáo dục và sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Trong tham luận Điện toán đám mây và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN), một học giả hàng đầu Việt Nam về khoa học giáo dục và đồng nghiệp của bà là TS. Hoàng Sỹ Tương đã đề cập đến những yêu cầu cần thiết về phát triển điện toán đấm mây - giải pháp hạ tầng không thể thiếu cho quản lý giáo dục đại học hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Về phía các diễn giả quốc tế, GS. Vaslac Snasel, Hiệu trường Trường Đại học Kỹ thuật Ostrava, Cộng hòa Czech, giới thiệu giải pháp tổng thể để xử lý những thách thức của xã hội trong các lĩnh vực vật liệu, năng lượng, môi trường và công nghệ thông tin cho một khu vưc cụ thể. Tham luận của ông đã nêu vai trò quan trọng của các trường đại học trong việc kết hợp các công nghệ mới với quản trị đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
TS. Mark Spittle đến từ Trường đại học Việt Đức và TS. Kathy Wright đến từ Tổ chức Xúc tiến Đại học đã giới thiệu với hội thảo những thí nghiệm do chính họ thực hiện về giảng dạy trực tuyến, qua đó cho thấy, giảng dạy đại học trực tuyến có thể rất hiệu quả nếu có những kỹ năng phù hợp.
Về phần mình, GS. Ronald Strickland (Michigan Tech, USA), lại lập luận rằng, sự bùng nổ của giảng dạy trực tuyến không nhất thiết là một cuộc tấn công kiểu tân-tự do vào giáo dục đại học. Ông chỉ dẫn đến việc tăng sỹ số, làm suy giảm trải nghiệm học tập và biến người thầy thành một dạng công nhân trong dây chuyền lắp ráp. Ngược lại, ông đã thử nghiệm những seminar trực tuyến với số lượng sinh viên hạn chế, cho thấy những lợi thế thú vị và đáng chú ý của các khóa học trực tuyến, một trong số những lợi thế đó là khả năng tạo ra tính bình đẳng của bối cảnh sư phạm văn bản hóa và phi riêng tư hóa.
Diễn ra trong bối cảnh Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội triệt để nhưng hội thảo đã được tổ chức rất thành công khi thu hút gần 300 đại biểu, trong đó có các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ cũng như các nhà quản lý, nhà nghiên cứu hoạt động trong các trường đại học trong nước và nước ngoài, như GS.Ronald Strickland đến từ Đại học công nghệ Michigan (Hoa Kỳ), GS. Vasclav Snášel - Hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật Ostrava (Cộng hòa Séc), TS. Kathy Wright thuộc tổ chức AdvanceHE (Vương Quốc Anh), PGS. FLICKER Corinne đại diện Trường Đại học Aix-Marseille (Pháp) và gần 20 giáo sư, tiến sĩ, phó giáo sư... các trường đại học Việt Nam.
Là một tổ chức giáo dục đại học tiên phong ở Việt Nam về công nghệ thông tin, hiện có trình độ quốc tế hóa cao nhất Việt Nam, với khoảng 90% học viên là người nước ngoài đến từ khoảng hai mươi quốc gia, Viện Quốc tế Pháp ngữ thấy rõ những cơ hội và thách thức của chuyển đổi số trong giáo dục đại học.
Tuy viện có nhiều thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, quản lý và mở những ngành liên quan đến công nghệ số như mạng máy tính, hệ thống đa phương tiện, truyền thông số nhưng cũng gặp không ít khó khăn, không chỉ liên quan đến những vấn đề kỹ thuật, sự khác biệt trong trình độ phát triển công nghệ giữa các quốc gia, mà cả những vấn đề ít ai ngờ tới, như những quan niệm khác nhau về giao tiếp văn hóa, hay thậm chí là sự khác biệt về múi giờ.
Chẳng hạn, hội thảo hôm nay bắt đầu tại Hà Nội lúc 2 giờ chiều, nhưng với GS. Vasclav Snášel ở Cộng hòa Séc là 8 giờ sáng, còn với GS. Ronald Strickland ở Hoa Kỳ lại là 2 giờ sáng. Làm sao để tổ chức một lớp học cho một nhóm đa dạng của sinh viên đến từ khắp năm châu?
Nhưng đây chưa phải là thách thức quan trọng. Thách thức lớn nhất, không chỉ đối với Viện Quốc tế Pháp ngữ, mà đối với tất cả các trường đại học, là phải thích ứng như thế nào với sự thay đổi về bản chất của chính trường đại học. Thậm chí các nhà giáo dục có thể đặt câu hỏi về sự tồn tại của trường đại học. Và đó chính là lý do tổ chức hội thảo này.
Tại phiên thảo luận, các diễn giả nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi và phản hồi tích cực từ các chuyên gia về thực trạng chuyển đổi số của giáo dục đại học trong nước cũng như trên thế giới. Hội thảo đã mang đến những góc nhìn và những kết nối mới có giá trị, từ đó hình thành những ý tưởng giúp các cơ sở đào tạo trong cả nước nói chung từng bước chuyển đổi số trong nhà trường, tiến tới trở thành đại học thông minh./