Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://ifi.edu.vn


Hội thảo Quốc tế “Giáo dục Đại học 5.0: đổi mới và thích ứng vì tương lai”

Ngày 21/8, Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp cùng Đại học Krirk (Thái Lan) và Viện Nghiên cứu Nhịp cầu tri thức (KBERI) tổ chức Hội thảo quốc tế “Giáo dục đại học 5.0: Đổi mới và thích ứng vì tương lai”. Sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo khoa học liên ngành DAAS (Diderot Advanced Academic Seminars) do IFI khởi xướng, được ĐHQGHN bảo trợ.

Hội thảo quốc tế “Giáo dục đại học 5.0: Đổi mới và thích ứng vì tương lai”

 

Hội thảo có sự tham dự đại diện các đơn vị Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Krirk (Thái Lan) và Viện Nghiên cứu Nhịp cầu tri thức (KBERI), các viện nghiên cứu và trường đại học, các tổ chức quốc tế. Về phía IFI có TS. Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa, TS. Ngô Tự Lập, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, nguyên Viện trưởng IFI cùng toàn thể cán bộ, giảng viên của đơn vị.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi giáo dục đại học để đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại Công nghiệp 5.0. Chủ nhiệm Khoa cho rằng trong thời đại hiện nay, các phát kiến công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật đã xâm nhập sâu vào cuộc sống, và Giáo dục 5.0 không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ mà còn phải phát triển con người toàn diện, tập trung vào kỹ năng sống, tư duy phản biện và tinh thần sáng tạo. TS. Thắng cũng đề cập đến những thách thức mà giáo dục đại học đang đối mặt, bao gồm cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và sự chênh lệch trong tiếp cận công nghệ. Để giải quyết những vấn đề này và hướng đến Giáo dục 5.0, cần có một tầm nhìn xa và chiến lược toàn diện hơn. Bên cạnh đó, TS. Phùng Danh Thắng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng các trường đại học trong quá trình chuyển đổi này. Với sự tham gia của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ hy vọng Hội thảo sẽ đưa ra những chiến lược và định hướng hiệu quả để xây dựng một môi trường giáo dục hiện đại và phù hợp với nhu cầu kinh tế-xã hội hiện nay.​

 

TS. Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN 

 

Tại Hội thảo, có 7 báo cáo được chọn trình bày tham luận tại 2 phiên với nội dung tập trung vào nhiều vấn đề của Giáo dục Đại học 5.0. Các đại biểu trình bày tham luận và đóng góp ý kiến tại Hội thảo: 

 

Phát triển đại học thông minh ở Việt Nam và kinh nghiệm từ quốc tế - TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN

Thách thức của các trường đại học quốc tế khi triển khai giáo dục 5.0 - TS. John Christopher Walsh, Phó Hiệu trưởng trường Quốc tế, Giám đốc các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, Đại học Krirk (Thái Lan)

Lấy con người làm trung tâm trong giáo dục đại học 5.0 - TS. Ngô Tự Lập, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Nguyên Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (nay là Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN)

Liệu một hệ thống giáo dục đại học tích hợp có khả thi vào thời điểm hiện nay? - TS. Dương Anh Chiến, Đại học Tasmania (Australia)

Tính bảo mật trong phát triển Giáo dục Đại học 5.0 - Ông Nguyễn Phúc Thịnh, Co-founder, CTO, Công ty Renaissance.IO

Mô hình học tập cá nhân hoá và Phân tích học tập trong Giáo dục Ngôn ngữ 5.0 - NCS.ThS. Hlaing Minn Khant, Trưởng phòng Học thuật Quốc tế, Đại học Krirk (Thái Lan)

Những thách thức về công nghệ: AI tạo sinh trong môi trường đại học tại Việt Nam - Ông Trần Huy, Co-founder, Giám đốc Điều hành, Công ty Flexidata Vietnam

 

Tiếp nối phiên toàn thể và phiên tham luận, phiên thảo luận của Hội thảo đã diễn ra trong không khí sôi nổi, hấp dẫn Với sự tích cực trao đổi, thảo luận và kết nối các bên, các diễn giả đã đóng góp nhiều sáng kiến, mô hình được chia sẻ để các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu, tham khảo, từ đó xúc tiến hợp tác, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc để thúc đẩy giáo dục đại học 5.0 và xây dựng một hệ thống giáo dục hiện đại, nhân văn.

 

Phiên thảo luận

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo: