Hội thảo quốc tế “Dấu ấn Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ”
- Thứ năm - 23/05/2024 16:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hội thảo quốc tế “Dấu ấn Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ”
Về phía khách mời - đại biểu, Hội thảo hân hạnh chào đón ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; ông Pierre Du Ville, Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, Chủ tịch Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và Tổ chức Pháp ngữ tại. Hà Nội (GADIF); ông Darlier Dorval, Phó Đại sứ Cộng hòa Haiti tại Việt Nam; ; ông Fabien Méheust, Phó Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Đại sứ Nguyễn Thiệp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp; ông Arnaud Pannier, Tùy viên Hợp tác giáo dục, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; ông Manuel Jobert, Phó Giám đốc phụ trách Quan hệ quốc tế và Pháp ngữ, Đại học Jean Moulin Lyon 3, Giám đốc Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF); ông Thierry Verdel, Hiệu trưởng trường Đại học Senghor, Ai Cập; ông Aminou Akadiri, Giám đốc điều hành Liên đoàn Thương mại và Thương nghiệp Tây Phi, Ban Giám đốc Khu vực Tư nhân, Ủy ban Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).
Về phía IFI có ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa; ông Ngô Tự Lập, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Nguyên Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ; ông Đào Tùng, Trưởng phòng Đào tạo và Công tác chính trị học sinh sinh viên (IFI-FORMATION).
Ngoài ra, Hội thảo có sự tham dự của hơn 70 chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực từ giáo dục, văn hóa, kinh tế, đối ngoại đến từ các quốc gia thành viên của cộng đồng Pháp ngữ.
Trong bài phát biểu mở đầu sự kiện, ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện OIF khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định rằng Hội thảo quốc tế “Dấu ấn Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ” và chuỗi sự kiện DAAS 2024 có ý nghĩa đặc biệt trước thềm Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, sẽ diễn ra vào tháng 10 tại Villers-Cotterêts, Pháp. Ông nhắc lại thành công của Hội nghị cấp cao Pháp ngữ năm 1997 tại Hà Nội, hội nghị duy nhất được tổ chức ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Sự kiện này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của OIF, đánh dấu việc bầu chọn Tổng Thư ký đầu tiên, ông Boutros Boutros-Ghali, và đã củng cố mạnh mẽ mối quan hệ giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo ông Doerig, 27 năm sau Hội nghị tại Hà Nội, Cộng đồng Pháp ngữ đã mở rộng ra 88 quốc gia thành viên dưới sự lãnh đạo của bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký. OIF đã hiện đại hóa, triển khai 3 chương trình chiến lược và 20 dự án có tác động lớn, bao gồm cả các hoạt động tại Việt Nam. Một số chương trình tiêu biểu có thể kể đến như đào tạo, nâng cao năng lực ngôn ngữ cho các nhà ngoại giao, cũng như các dự án hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương. Trong tương lai, OIF đang lên kế hoạch triển khai các dự án về thanh niên Pháp ngữ và du lịch bền vững tại Việt Nam. Cuối cùng, ông Edgar Doerig cảm ơn các cơ quan chức năng và đối tác tại Việt Nam, trong đó có IFI, đã hợp tác và đồng hành trong suốt ba thập kỷ kể từ khi văn phòng của OIF tại khu vực được thành lập. Ông nhấn mạnh rằng Tổ chức sẽ tiếp tục là cầu nối giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ trên thế giới, thông qua việc thực hiện các giá trị cốt lõi là đoàn kết, đa dạng và cùng chung sống.
Ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện OIF khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát biểu tại Hội thảo
Ông Pierre Du Ville, Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, Chủ tịch GADIF đánh giá cao vai trò nòng cốt của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Ông cũng cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người học tiếng Pháp bởi ngôn ngữ này không chỉ là công cụ để làm việc, học tập mà còn là phương tiện dẫn đến một hệ giá trị tốt đẹp. Cụ thể, trong tương lai, GADIF và OIF sẽ cùng thực hiện nhiều hoạt sự kiện văn hóa nhằm nhằm tôn vinh và quảng bá Cộng đồng Pháp ngữ tại Việt Nam.
Ông Pierre Du Ville, Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, Chủ tịch GADIF phát biểu tại Hội thảo
Đại diện Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF), Đại học Jean Moulin Lyon 3, Pháp, ông Manuel Jobert nhấn mạnh chủ đề của Hội thảo có ý nghĩa quan trọng bởi Việt Nam là thành viên luôn tham gia tích cực vào các hoạt động chung của Cộng đồng Pháp ngữ. Ngoài ra, ông Jobert cũng nhận định không chỉ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà châu Phi cũng là khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam ở nhiều lĩnh vực. Vì lý do đó, ông mong rằng Hội thảo sẽ mang đến nhiều góc nhìn mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ.
Ông Manuel Jobert phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI) nhấn mạnh Việt Nam là một thành viên tích cực với lịch sử giao lưu văn hóa, giáo dục và hợp tác kinh tế phong phú với các quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ. Từ cuối thế kỷ 19, khi Việt Nam trở thành một phần của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, tiếng Pháp đã trở thành một ngôn ngữ quan trọng trong hệ thống giáo dục và hành chính của Việt Nam. Sau khi giành được độc lập, Việt Nam tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Cộng đồng Pháp ngữ, và năm 1970 chính thức trở thành thành viên của OIF. Cũng theo ông Phùng Danh Thắng, IFI là một ví dụ điển hình về sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ với hơn 30 năm hình thành và phát triển, đóng góp đáng kể vào việc đào tạo, hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật trong cộng đồng nói tiếng Pháp của khu vực và trên toàn thế giới. Hội thảo quốc tế “Dấu ấn Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ” do IFI phối hợp cùng OIF và 2IF là dịp để khẳng định vai trò của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ và đưa ra các khuyến nghị về quan hệ hợp tác tương lai. Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ hy vọng sự kiện sẽ mang đến không gian bổ ích để chia sẻ, học hỏi và phát triển mối quan hệ của Việt Nam và khối Pháp ngữ, hướng tới Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 sắp tới.
Ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI) phát biểu khai mạc Hội thảo
Tiếp nối phần khai mạc, Phiên toàn thể “Vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ trong dòng chảy phát triển của Việt Nam" đã diễn ra với phần diễn thuyết của Đại sứ Nguyễn Thiệp, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp với chủ đề “Việt Nam, đã, đang và sẽ luôn ở trung tâm của Cộng đồng Pháp ngữ” và ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện OIF khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Chiến lược phát triển của OIF tại châu Á - Thái Bình Dương”.
Trình bày bài diễn thuyết “Việt Nam, đã, đang và sẽ luôn ở trung tâm của Cộng đồng Pháp ngữ”, Đại sứ Nguyễn Thiệp cho biết Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với Cộng đồng Pháp ngữ từ thời Pháp thuộc đến hiện tại. Theo đó, từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi do ảnh hưởng bởi chế độ thực dân Pháp cũng như cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tiếp đó, kể từ khi gia nhập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT - tiền thân của OIF) vào năm 1978, Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ các quốc gia khối Pháp ngữ trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước sau giải phóng. Cho đến ngày nay, Cộng đồng Pháp ngữ vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, kinh tế và văn hóa.
Đại sứ Nguyễn Thiệp tham gia diễn thuyết tại Hội thảo
Với cương vị Trưởng Đại diện OIF tại châu Á - Thái Bình Dương, ông Edgar Doerig đã trình bày chi tiết các định hướng phát triển của Tổ chức trong khu vực, đặc biệt là tại Việt Nam. Theo đó, trong tương lai, OIF sẽ triển khai các hoạt động: (i) Tăng cường việc sử dụng tiếng Pháp tại Việt Nam, kể cả trên các diễn đàn quốc tế; thúc đẩy và nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Pháp thông qua hoạt động của Trung tâm Tiếng Pháp Châu Á-Thái Bình Dương (CREFAP); (ii) hỗ trợ các hoạt động thực địa nhằm tăng cường quyền tự chủ về kinh tế và xã hội của phụ nữ trong các tình huống dễ bị tổn thương thông qua Quỹ Francophonie avec Elles; (iii) khuyến khích các giải pháp đổi mới sáng tạo của thanh niên thông qua Diễn đàn thanh niên Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương; (iv) tăng cường ngoại giao và giao lưu kinh tế Pháp ngữ thông qua hoạt động của các phái đoàn kinh tế; (v) góp phần đưa du lịch bền vững trở thành trụ cột cho sự phát triển của Việt Nam nhằm đối mặt với những thách thức về môi trường, khí hậu, kinh tế và xã hội. Ông Doerig cũng cho biết OIF sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, thúc đẩy và theo sát các hoạt động trên, hướng tới mục tiêu tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ trên thế giới.
Ông Edgar Doering tham gia diễn thuyết tại Hội thảo
Kết thúc Phiên toàn thể với nhiều thông tin mang tính tổng quát, Phiên tham luận chuyên đề tiếp tục diễn ra sôi nổi với phần trình bày của các diễn giả: ông Arnaud Pannier, Tùy viên Hợp tác giáo dục, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam với tham luận Triển vọng hợp tác văn hóa, giáo dục Việt Nam – Pháp; bà Trang Phan-Labays, Giảng viên cao cấp, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo tại Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF), Đại học Jean Moulin Lyon 3, Pháp với tham luận Pháp ngữ tại Việt Nam và triển vọng tương lai; ông Đinh Hồng Vân, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN với tham luận Ảnh hưởng của văn hóa Pháp với xã hội Việt Nam từ góc nhìn khoa học; ông Mbono Stéphane, Viện Quan hệ Quốc tế Cameroon (IRIC) với tham luận Cộng đồng Pháp ngữ ở Cameroon và triển vọng hợp tác với Việt Nam; bà Đặng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN với tham luận Đa ngôn ngữ và xu hướng tiếp cận biến thể ngôn ngữ trong giảng dạy tiếng Pháp ở Việt Nam; ông Sami Hochlaf, Giảng viên tại Đại học Sousse kiêm Giám đốc Trung tâm Pháp ngữ Sousse, Tunisie với tham luận Cộng đồng Pháp ngữ Tunisia trên phạm vi quốc tế.
Ông Arnaud Pannier, Tùy viên Hợp tác giáo dục, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam
Bà Trang Phan-Labays, Giảng viên cao cấp, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo tại Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF), Đại học Jean Moulin Lyon 3, Pháp
Ông Đinh Hồng Vân, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN
Bà Đặng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN
Ông Mbono Stéphane, Viện Quan hệ Quốc tế Cameroon (IRIC)
Ông Sami Hochlaf, Giảng viên tại Đại học Sousse kiêm Giám đốc Trung tâm Pháp ngữ Sousse, Tunisie
Chương trình tiếp nối với Phiên thảo luận do bà Đặng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN làm chủ tọa. Các câu hỏi đã được đặt ra nhằm thảo luận, đối thoại về vai trò của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ, triển vọng và khuyến nghị về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ nói chung cũng như các quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ nói riêng.
Phiên thảo luận của Hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi thú vị
Hội thảo diễn ra trong không khí phấn khởi giữa các diễn giả và khách mời, và đã kết thúc thành công tốt đẹp tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào chiều thứ Tư, ngày 22/5/2024.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: