IFI tham gia triển lãm tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022
- Thứ sáu - 16/12/2022 09:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hội nghị Xúc tiến đầu tư của Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) là sự kiện nhằm kết nối, thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ tuyển dụng nhân sự chất lượng cao giữa các địa phương, các trường đại học/viện nghiên cứu với doanh nghiệp. Trong sự kiện này, hoạt động Triển lãm tiềm lực và thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) được tổ chức nhằm giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ có khả năng thương mại hoá, chuyển giao của các trường, viện, đơn vị thành viên/trực thuộc ĐHQGHN, đồng thời giúp tăng cường giao lưu giữa các giáo viên và học sinh THPT với các đơn vị của ĐHQGHN phục vụ quảng bá tuyển sinh.
Về phía ĐHQGHN, tới dự Hội nghị có sự tham gia của Ban Giám đốc ĐHQGHN, lãnh đạo ĐHQGHN các thời kỳ, đại điện lãnh đạo Văn phòng và các ban chức năng của ĐHQGHN, các cán bộ, giảng viên, sinh viên đang công tác, học tập tại ĐHQGHN.
Về phía khách tham dự có ông Lê Quang Huy, Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong lĩnh vực hợp tác đầu tư công tư (PPP), lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, Khu đô thị ĐHQGHN được đầu tư với mục tiêu trở thành khu đô thị trọng điểm ở phía Tây Thủ đô, tập trung của nguồn lực tri thức khoa học, công nghệ; nghiên cứu, chuyển giao tri thức, kết nối liên thông với khu công nghệ cao Hòa Lạc, toàn thành phố và khu vực Tây Bắc Bộ. ĐHQGHN được lựa chọn là trung tâm đại học đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP).
“Để trở thành một đơn vị đại học thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN cần tiên phong trong thu hút hợp tác dựa trên cộng đồng, xã hội và doanh nghiệp, các nhà đầu tư” – Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, ĐHQGHN đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều hạng mục công trình thiết yếu. Giám đốc Lê Quân chia sẻ, bên cạnh các tổ hợp công trình được đầu tư xây dựng cho các hạng mục giáo dục đào tạo và nghiên cứu thì còn khoảng 50% diện tích để dành cho các công trình hợp tác đối tác công tư và thu hút nguồn lực. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác triển khai dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư làm tổ trưởng, góp phần tháo gỡ những vướng mắc một cách kịp thời và hiệu quả. Giám đốc cho biết thêm, ĐHQGHN đang xây dựng dự thảo quy trình hướng dẫn thực hiện đầu tư theo phương thức PPP tại ĐHQGHN, thể hiện quyết tâm của ĐHQGHN trong việc công khai, minh bạch quy trình giải quyết công việc.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết các phiên chuyên đề trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022, bao gồm: 01 phiên toàn thể và 05 phiên chuyên đề song song với các nội dung: (1) Xúc tiến đầu tư; (2) Nông nghiệp công nghệ cao và Phát triển bền vững; (3) Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo; (4) Y học công nghệ cao và Khoa học sức khỏe; (5) Hội thảo “Thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững”.
Tham gia triển lãm Trưng bày tiềm lực và thành tựu KHCN, IFI có gian trưng bày sản phẩm Số hoá di sản và các tài liệu khác, bao gồm: giới thiệu chung về IFI, các chương trình đào tạo Thạc sĩ, các số Ấn phẩm khoa học cộng đồng Pháp ngữ, hồ sơ năng lực khoa học công nghệ, các chương trình đào tạo ngắn hạn,....
Số hóa di sản là hướng đi chiến lược trong các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của IFI. Nắm bắt xu hướng mới về bảo tồn di sản, IFI đã tiên phong ứng dụng công nghệ mới triển khai số hóa các di sản quý giá của Việt Nam, góp phần bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa của đất nước. Tiêu biểu có các công trình như “Tham quan ảo Nhà hát lớn Hà Nội”, “Tham quan ảo Khuôn viên Khoa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN”, dự án “Ứng dụng công nghệ 3D để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội”, dự án “Nghiên cứu, biên soạn lịch sử và số hóa di tích lịch sử cây đa và đền La Tiến” (tỉnh Hưng Yên) và dự án “Chuyển đổi số Bảo tàng tỉnh Hưng Yên”. Sản phẩm Số hóa di sản của IFI là sản phẩm độc đáo và duy nhất tại triển lãm thể hiện sự kết hợp hài hòa giữ công nghệ và văn hóa để nâng cao giá trị di sản tại Việt Nam. Với hướng đi này, IFI là đơn vị tiên phong tại Việt Nam ứng dụng các công nghệ mới để triển khai số hóa các di sản của Việt Nam, góp phần bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa của đất nước.
Không chỉ sản phẩm số hoá di sản, các tài liệu về thành tựu KHCN, thông tin tuyển sinh các chương trình đào tạo Thạc sĩ tại IFI, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Vườn ươm 3i, robot phục vụ,... cũng được nhiều sinh viên và cán bộ từ các trường trực thuộc của ĐHQGHN ghé thăm và tham khảo.
Chi tiết về Dự án Số hóa Di sản văn hóa của IFI: tại đây
Video giới thiệu Sản phẩm Số hóa di sản văn hóa - IFI