Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://ifi.edu.vn


Phó Viện trưởng Ngô Tự Lập :"Viện Quốc tế Pháp ngữ đang chuyển mình để trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu liên ngành chất lượng cao"

Toàn văn bài phát biểu của TS. Ngô Tự Lập, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHN tại Buổi thuyết trình "Nhà hát lớn Hà Nội trong tiến trình hiện đại hóa sân khấu Việt Nam đầu thế kỉ XX".

 

Kính thưa PGS.TS. Lê Quân, Phó Giám đốc ĐHQGHN

Kính thưa PGS.TS. Corinne Flicker

Kính thưa các Quý bà, Quý ông

 

Trước tiên, tôi xin được nhiệt liệt cám ơn các vị khách quý đã có mặt hôm, nay để tham dự buổi thuyết trình khoa học nhiều ý nghĩa này – ý nghĩa về khoa học và về văn hóa. Riêng đối với Viện Quốc tế Pháp ngữ, sự kiện này đánh dấu một giai đoạn phát triển mới – giai đoạn thực hiện chiến lược phát triển được Lãnh đạo ĐHQGHN đề ra khi đổi tên Viện thành Viện Quốc tế Pháp ngữ ngày nay.

 

Hình thành trên cơ sở tích hợp Viện Tin học Pháp ngữ (thành lập năm 1993) và Trung tâm Đại học Pháp tại Hà Nội (thành lập năm 2006), Viện Quốc tế Pháp ngữ đang chuyển mình để trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu liên ngành chất lượng cao. Tự hào với các chương trình đào tạo được AUF cấp chứng nhận chất lượng «Đào tạo Quốc tế», các chương trình mà Viện Quốc tế Pháp ngữ kiên quyết duy trì và phát triển, Viện đồng thời cũng đang nỗ lực tăng cường các dự án nghiên cứu liên ngành hợp tác với các tổ chức và đồng nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt với các đối tác đến từ các quốc gia thuộc Cộng đồng Pháp ngữ. Trong số các dự án đó có dự án Số hóa các di sản văn hóa và nghệ thuật, mà buổi thuyết trình này là một cấu phần.

 

Buổi thuyết trình của PGS. Corinne Flicker có chủ đề là Nhà Hát Lớn Hà Nội và cuộc đời của vị Giám đốc đầu tiên, Claude Bourrin, nhưng rộng hơn, nó còn đề cập đến tiến trình hiện đại hóa sân khấu Việt Nam đầu thế kỷ XX. Cũng chính tại Nhà hát này, vở Chén thuốc độc của Vũ Đình Long, vở Kịch nói đầu tiên ở Việt Nam, đã ra mắt công chúng, ngày 22 tháng 10 năm 1921.

 

PGS. Corinne Flicker là một chuyên gia về sân khấu, nhưng cũng là một người bạn lớn của Việt Nam. Bà đã đến thăm Việt Nam nhiều lần, đã hợp tác chặt chẽ với các học giả Việt Nam và đã biên soạn nhiều công trình về sân khấu Việt Nam và Đông Dương.

 

Chúng tôi xin trân trọng cám ơn PGS. Corinne Flicker vì những cống hiến và tình yêu của bà dành cho Việt Nam, xin cám ơn sự hỗ trợ của AUF và xin chúc các quý vị một buổi trao đổi thú vị.

 

Xin cám ơn!