Tọa đàm “Tiết độ là gì? - Làm cách nào để chuyển từ một xã hội luôn đòi hỏi nhiều hơn sang một xã hội tiết độ?”
- Thứ tư - 30/08/2023 10:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tọa đàm “Tiết độ là gì? - Làm cách nào để chuyển từ một xã hội luôn đòi hỏi nhiều hơn sang một xã hội tiết độ?”
Tham dự tọa đàm, về phía các khách mời có bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; bà Đỗ Thị Minh Nguyệt, Trưởng Phòng Sách và Hội thảo, Viện Pháp tại Hà Nội.
Về phía IFI có ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa; ông Ngô Tự Lập, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, nguyên Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (nay là Khoa Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng các học viên chương trình Thạc sĩ Công nghệ thông tin, chuyên ngành Hệ thống thông minh và Đa phương tiện (SIM).
Tham gia thảo luận tại Tọa đàm có các diễn giả: ông Ngô Tự Lập, nhà giáo, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, Tổng biên tập Ấn phẩm Khoa học Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương, Giám đốc sáng lập Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, nguyên Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (Nay là Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), ĐHQGHN); bà Dominique Méda, Giám đốc Viện Nghiên cứu liên ngành về khoa học xã hội (IRISSO) kiêm Chủ tịch Viện Veblen, Giáo sư xã hội học tại Đại học Paris Dauphine-PSL (Pháp).
Ngoài ra, Tọa đàm còn thu hút các học giả, nhà nghiên cứu, sinh viên quan tâm đến chủ đề tiết độ nói riêng và triết học nói chung.
Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ đánh giá cao ý nghĩa của Tọa đàm bởi đây là dấu mốc mở đầu cho mô hình hợp tác mới giữa IFI và IFV nói riêng hay Đại sứ quán Pháp nói chung với hàng loạt các hoạt động chung trong thời gian sắp tới như tổ chức Diễn đàn quốc tế Franconomics 2023 và xuất bản số thứ 7 của Ấn phẩm khoa học “Cộng đồng Pháp ngữ tại Châu Á-Thái Bình Dương (FAP)”. Về chủ đề của buổi Tọa Đàm, ông Phùng Danh Thắng khẳng định “tiết độ” không chỉ đơn thuần là việc kiềm chế trong việc tiêu dùng, mà còn là một triết lý sống, một cách tiếp cận mới để xem xét lại mối quan hệ giữa con người với tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi sự tiêu thụ quá mức và lãng phí đã góp phần làm tình trạng biến đổi khí hậu, suy thoái đất đai và mất mát đa dạng sinh học trở nên trầm trọng, và vì vậy, “tiết độ” trở thành một khái niệm quan trọng hơn bao giờ hết. Ông cũng bày tỏ hy vọng Tọa đàm sẽ giúp người tham gia hiểu rõ bản chất của “tiết độ”, đồng thời mang đến không gian thảo luận với những ý tưởng mới nhằm khuyến khích sự hợp tác giữa các quốc gia và các cá nhân, từ đó xây dựng một tương lai bền vững và tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai.
Ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN phát biểu khai mạc Tọa đàm
Tiếp đó, bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho rằng “tiết độ” đang trở thành một yếu tố cấp thiết trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường và xã hội hiện nay. Do đó, việc cần làm là tập trung vào những giá trị cốt lõi, ưu tiên những thứ cần thiết và giảm thiểu, loại bỏ những thứ dư thừa. Bà Maysonnave cũng khẳng định với sự tham gia của các diễn giả giàu kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn, Tọa đàm sẽ mang đến những thông tin bổ ích để cùng nhau trao đổi, đề xuất những giải pháp nhằm giải quyết các câu hỏi về tiết độ.
Bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
Tham gia diễn thuyết tại Tọa đàm, bà Dominique Méda nhận định rằng tiết độ là sự tiết chế trong ham muốn. Đây cũng là chìa khóa dẫn tới một tương lai bền vững khi con người ngày nay đang phải hứng chịu những hậu quả đáng lo ngại về môi trường do lối tiêu dùng quá độ. Để đạt được điều này, bà Méda cho rằng các quốc gia cần có các chính sách phù hợp để xây dựng một xã hội tiết độ, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như phúc lợi xã hội thay vì chỉ chú trọng tăng trưởng GDP càng nhiều càng tốt. Cụ thể, cần triển khai các khoản đầu tư lớn vào giao thông công cộng, nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo, cải tạo nhiệt của các công trình; ưu tiên lựa chọn phương thức di chuyển thân thiện với môi trường như đi bộ, xe đạp, xe điện, phương tiện công cộng thay vì phương tiện giao thông gây ô nhiễm như ô tô, máy bay; áp dụng chế độ ăn ít thịt, cân bằng và lành mạnh, tổ chức lại chuỗi sản xuất và cung ứng để hạn chế khoảng cách vận chuyển. Cuối cùng, diễn giả người Pháp cũng nêu ra một vấn đề then chốt trong quá trình chuyển đổi sang một xã hội tiết độ đó chính là những thay đổi về thị trường lao động. Theo bà, khi nhu cầu tiêu thụ của con người giảm xuống sẽ làm mất đi một số công việc của lĩnh vực này nhưng cũng đồng thời tạo ra những việc làm mới của lĩnh vực khác. Vì vậy, cần dự đoán và theo sát những thay đổi này để mở ra cơ hội thay đổi về công việc, tái định vị sản xuất hay điều chỉnh quy mô và cách quản trị doanh nghiệp.
Diễn giả Dominique Méda tham gia diễn thuyết tại Tọa đàm
Tiếp nối chương trình là phần thảo luận được dẫn dắt bởi diễn giả Ngô Tự Lập với nhiều câu hỏi thú vị xoay quanh các chủ đề như cách để cộng đồng chuyển sang lối sống tiết độ; cách thức ứng dụng tiết độ vào bối cảnh xã hội Việt Nam; các tiêu chí để nhận định/đo lường sự tiết độ của một cá nhân hay tổ chức; tiết độ có nên trở thành một xu thế của thời đại hiện nay. Bằng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực triết học, xã hội học, hai diễn giả Ngô Tự Lập và Dominique Méda đã giải đáp thắc mắc được đặt ra, từ đó mang đến những thông tin hữu ích về tiết độ. Tại tọa đàm, các học viên quốc tế IFI cũng tích cực trao đổi và chia sẻ với hai diễn giả và khán giả về những câu chuyện của quê hương mình - những đất nước châu Phi, góc nhìn của những người trẻ đang sinh sống và học tập tại nước ngoài với khát vọng phát triển đất nước mình theo hướng bền vững.
Phần thảo luận sôi nổi cùng diễn giả Ngô Tự Lập và diễn giả Dominique Méda
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Toàn cảnh Tọa đàm
Phần thảo luận sôi nổi tại Tọa đàm
Tọa đàm mang đến không gian học tập, trao đổi mới lạ, sáng tạo cho các học viên Thạc sĩ tại IFI