Năm 2013, lần đầu tiên ĐHQGHN ban hành hướng dẫn số 1206/HD-ĐBCLGD (gọi tắt là Bộ tiêu chí 1206) về các tiêu chí của đại học nghiên cứu (ĐHNC) để làm căn cứ phân tích nội bộ,...
Năm 2013, lần đầu tiên ĐHQGHN ban hành hướng dẫn số 1206/HD-ĐBCLGD (gọi tắt là Bộ tiêu chí 1206) về các tiêu chí của đại học nghiên cứu (ĐHNC) để làm căn cứ phân tích nội bộ, quản trị hệ thống và hoạch định lộ trình phát triển của mình. Sau một năm thực hiện, vị trí của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng quốc tế tiếp tục được cải thiện. GS.TS Nguyễn Hữu Đức (Phó Giám đốc ĐHQGHN) chia sẻ xung quanh vấn đề này.
- Thưa Giáo sư, ĐHQGHN xây dựng bộ tiêu chí 1206 về ĐH nghiên cứu dựa trên những cơ sở nào?
Trước hết, cần phải nói rằng theo cách tiếp cận quản trị đại học tiên tiến, ĐHQGHN rất quan tâm đến việc phân tích nội bộ, quản trị mục tiêu và quản trị hệ thống thông qua các chỉ số của mình. Mục tiêu là hướng đi, còn chỉ số là sự định vị. Bộ tiêu chí ĐHNC mà ĐHQGHN vừa ban hành chính là cơ sở để ĐHQGHN, các đơn vị đào tạo, nghiên cứu thành viên và trực thuộc phân tích, đánh giá, định vị hiện trạng, xác định đúng kế hoạch phát triển để ưu tiên đầu tư; thúc đẩy các đơn vị từng bước phát triển đạt chuẩn đại học nghiên cứu của khu vực và quốc tế. Bộ tiêu chí gồm nhiều nhóm tiêu chí được lượng hoá như nhóm tiêu chí về thành tích nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức; nhóm tiêu chí về chất lượng đào tạo; nhóm tiêu chí về mức độ quốc tế hoá, nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Bộ tiêu chí này được tổng hợp, cụ thể hóa trên cơ sở tham khảo các tiêu chí phân loại của trường ĐH Carnegie (Carnegie Classification, Hoa Kỳ), tiêu chí xếp loại ĐH nghiên cứu của
Amano (Nhật Bản), tiêu chí gắn sao ĐH của bảng xếp hạng QS với mức chỉ tiêu 4 sao trở lên (hoặc/và nhóm 500 thế giới), tiêu chí xác định ĐH nghiên cứu của Hiệp hội các trường ĐH Mỹ (Association of American Universities), đồng thời có cân nhắc các yếu tố đặc thù trong hoàn cảnh của Việt Nam. Các nhóm tiêu chí này được xây dựng với mục tiêu vừa đảm bảo tính tiếp cận chuẩn hoá và hội nhập quốc tế, vừa không quá cách xa với thực tiễn phát triển của khoa học giáo dục Việt Nam, phù hợp với năng lực hiện tại của ĐHQGHN.
- Bộ tiêu chí được ban hành cùng lộ trình thực hiện và các kết quả thế nào, thưa Giáo sư?
ĐHQGHN xác định cho mình mục tiêu trở thành trung tâm đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực đạt chuẩn quốc tế, nằm trong nhóm 200 đại học hàng đầu Châu Á vào năm 2015, vươn lên nhóm 100 đại học tiên tiến của thế giới vào năm 2020. Tương ứng với lộ trình đó, bộ tiêu chí này có các chỉ tiêu rất cụ thể của một trường đại học trong nhóm 200 châu Á.
Năm 2014, ĐHQGHN tiếp tục đạt những kết quả đáng khích lệ trong các bảng xếp hạng đại học. Theo xếp hạng của tổ chức QS, ĐHQGHN được xếp trong nhóm 161 – 170 các trường đại học hàng đầu Châu Á; đứng thứ 1 ở Việt Nam. Trong Bảng xếp hạng các đơn vị nghiên cứu khoa học của nhóm nghiên cứu SCImago (tính theo sso liệu đến năm 2012), ĐHQGHN có thứ hạng 2327 thế giới, đứng thứ 2 ở Việt Nam về công bố quốc tế; có thứ hạng 284 thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo, có thứ hạng 346 thế giới và thứ 1 Việt Nam về kích thước cổng thông tin điện tử. Theo xếp hạng Webometrics của Cybemetrics Lab, công bố quốc tế của ĐHQGHN được xếp thứ 1829 thế giới, đứng thứ 2 trong số các đại học của Việt Nam (tính theo số liệu đến năm 2013); tài nguyên nội sinh và xuất bản quốc tế của ĐHQGHN được xếp thứ 899 thế giới, thứ 207 ở Châu Á và thứ nhất ở Việt Nam; thư viện số (tài nguyên nội sinh) của ĐHQGHN được xếp thứ 794 thế giới, 131 Châu Á và đứng thứ 1 ở Việt Nam. Những con số này có thể coi là kết quả xứng đáng cho sự kiên định với quản trị mục tiêu mà ĐHQGHN đã triển khai.
- Xin Giáo sư giải thích cụ thể hơn về nội hàm của các xếp hạng trên?
Bảng xếp hạng QS (http://www.topuniversities.com/node/4084/ranking-details/asian-university-rankings/2014) đã gần gũi với ĐHQGHN nhiều năm qua. Đó một ánh xạ phủ khá tốt với bộ tiêu chí 1209 về ĐHNC. Bảng xếp hạng SCImago (Tây Ban Nha) (http://www.scimagoir.com) chỉ quan tâm đến kết quả nghiên cứu và chỉ xếp hạng cơ sở đại học và nghiên cứu năm trước đó có kết quả công bố trên 100 bài báo trong cơ sở dữ liệu của Scopus. Việt Nam chúng ta có 4 đơn vị được lọt vào bảng này, theo thứ tự là Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, ĐHQG TpHCM, ĐHQGHN và ĐH Bách khoa Hà Nội.
Trong trình bày ở trên, ngoài xếp hạng về tổng số bài báo, tôi đã có chủ định thông báo kết quả đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo trong các công trình nghiên cứu. Chỉ số này được đo bằng số lần các bài báo khoa học được trích dẫn trong các phát minh sáng chế. Một số quan niệm cho rằng ĐHQGHN vẫn là một đơn vị nghiên cứu cơ bản, nhưng qua thứ hạng 284 thế giới cho thấy các nghiên cứu cơ bản của chúng ta đã có tác dụng dẫn đường cho các phát minh sáng chế ở mức độ nào (Viện KH&CN Việt Nam và ĐHQG TpHCM cùng có chỉ số 282).
Có một nhận xét là tất cả bảng xếp hạng trên đây đều còn có chung tiêu chí về công bố quốc tế và quy mô của website?Đó là một nhận xét đúng và đúng với xu thế của thời đại. Ở tại thời điểm xuất phát (năm 2004), thực ra bảng xếp hạng Webometrics (http://www.webometrics.info) chỉ quan tâm đến quy mô và tầm ảnh hưởng của trang web của các trường đại học, trong đó có quy mô về tài nguyên số. Sau này (từ năm 2012), bảng xếp hạng này đưa thêm chỉ số về số lượng các công bố quốc tế của các trường có trong cơ sở dữ liệu của Scopus. Vậy nên kết quả xếp hạng Webometrics hiện nay là tích hợp của 2 xu hướng phát triển đại học hiện nay: nghiên cứu (công bố quốc tế) và số hóa (tài nguyên số). Chính vì tích hợp cả 2 chỉ số này nên các trường đại học Việt nam, ngoài ĐHQGHN, cũng không còn trường nào vào được nhóm 1000 thế giới. Đối với bảng xếp hạng Scimago, ngoài hai yếu tố số hóa và kết quả nghiên cứu thì mức độ ảnh hưởng và mức độ đóng góp của các nghiên cứu cơ bản vào sự ra đời của các phát minh, sáng chế cũng được đánh giá.
- Giải pháp để tiếp tục đưa ĐHQGHN phát tiển theo hướng chuẩn hóa và hội nhập quốc tế, thưa Giáo sư?
Trong thời đại ngày nay, các yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đều có 5 đặc điểm sau: (i) mở cửa, trao đổi tri thức, khai thác nhu cầu của toàn cầu; (ii) ổn định và đồng thuận; (iii) định hướng đúng tương lai, đúng xu thế và đúng quy luật; (iv) đầu tư tập trung và hiệu quả; (v) phân bổ các nguồn lực theo cơ chế thị trường, dựa vào sản phẩm đầu ra và (v) lãnh đạo có uy tín và bộ máy hành chính có năng lực. Trong chủ đề của buổi trao đổi này tôi chỉ giới hạn ở 3 điểm (i, iii và iv). Thứ nhất, trong những năm vừa qua, chúng ta đã tích cực mở cửa và hội nhập sâu đặc biệt là với các trường đại học trong mạng lưới Asean (AUN). Trong quá trình ấy, quản trị chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và các điều kiện đảm bảo chất lượng đã được chuyển giao một cách cụ thể, hiệu quả. Chúng ta đã hội nhập và triển khai các hoạt động đảm bảo chất lượng theo thông lệ quốc tế, tiêu chuẩn và mô hình quốc tế. Qua đó, chúng ta đã làm quen và mạnh dạn thực hiện một số bộ chỉ số để phân tích nội bộ và quản trị đại học. Quá trình hội nhập ấy cần phải được tiếp thu đẩy mạnh toàn diện và quyết liệt hơn nữa. Thứ hai, đối với định hướng tương lai, chúng ta đã thực hiện quản trị mục tiêu tốt, xây dựng được bộ chỉ tiêu hợp lí, mà thực chất đó là bộ tiêu chí ĐHNC mà chúng ta đang theo đuổi. Nếu không lượng hóa các hoạt động chúng ta sẽ mất phương hướng trong việc đầu tư để gia tăng các giá trị. Quản trị khoa học và khuynh hướng dựa vào phân tích số liệu, chỉ tiêu rất hấp dẫn vì nó đo lường được và có thể tạo ra sự gia tăng nhanh chóng. Có thể có sự cứng nhắc khi dựa quá nhiều vào dữ liệu, nhưng hiện nay vẫn là cần thiết khi chúng ta đang mới trong giai đoạn đầu hội nhập. Cuối cùng, vấn đề phân bổ nguồn lực theo sản phẩm đầu ra là phương thức, nhưng về thực chất đó là động lực và mục tiêu cuối cùng. Theo phương thức này, mọi người đều nỗ lực để ĐHQGHN chúng ta có nhiều sản phẩm đào tạo và khoa học công nghệ tốt hơn, có thước đo có thước đo chính xác hơn về chất lượng đội ngũ cán bộ. Đề ra được kế hoạch tốt đã khó, triển khai thực hiện thành công còn khó khăn hơn nhiều, Giáo sư có thể nói điều gì trước khi kết thúc cuộc trao đổi này? Tôi vừa ghép được được mấy chữ cái tiếng Anh rất có ý nghĩa, IT – I&T. Nói đến IT ai cũng hiểu ngay đó là công nghệ thông tin (Imformation Technology), chữ I cũng gần với nghĩa đó: thông tin và tri thức (Information), còn chữ T là thời gian, thời điểm (Time). Tôi muốn cắt nghĩa thêm thế này, trong thời đại công nghệ thông tin (IT), thế giới là phẳng, xã hội là xã hội thông tin, chúng ta có rất nhiều thông tin và tri thức (I). Biết được nhiều I là biết trước được thế giới họ làm đang làm gì và thôi thúc, góp ý lãnh đạo triển khai thực hiện. Nhưng không phải cứ biết là làm được mà chúng ta cần chọn thời điểm, thời gian (T) thích hợp. Đó mới là sự kiên định hiệu quả. Trong thời gian vừa qua, chúng ta vừa làm vừa học để có đủ I, đủ thông tin về xếp hạng, về xu hướng công bố quốc tế, nhưng không thể duy ý chí và triển khai quyết liệt được. Chúng ta đã cùng thuyết phục nhau, cùng xây dựng văn hóa và cùng chọn thời điểm T và các nguồn lực để triển khai. Bây giờ đang là thời điểm T đúng để chúng ta thực thi đồng bộ trong tất cả các đơn vị thành viên và trực thuộc các thông tin mà chúng ta đã học hỏi được, chọn lọc được trong quá trình hội nhập; đưa các mục tiêu và bộ tiêu chí chúng ta xây dựng được, ứng dụng rộng rãi và toàn diện thông qua môi trường và phương pháp tiếp cận của công nghệ thông tin để triển khai thực hiện. Chúng ta đã tiếp cận đúng quy trình ấy, tin tưởng chúng ta sẽ thành công. - Xin cám ơn Giáo sư. |
Thanh Hà - Mai Anh - VNU Media |