Khoa Quốc tế Pháp ngữ

https://ifi.edu.vn:443


Chương trình Số hóa Di sản văn hóa

Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời và hết sức đa dạng với vô số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với lịch sử đất nước nói chung và lịch sử của 54 dân tộc anh em.  Đây là những kho báu văn hóa của Việt Nam, trong đó nhiều di sản văn hóa, nghệ thuật đã được tổ chức UNESCO xếp loại di sản của nhân loại, đồng thời cũng có những tiềm năng kinh tế to lớn có thể và cần được khai thác một cách hiệu quả để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước một cách bền vững.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, trong đó có những lý do kinh tế - xã hội và công nghệ, rất nhiều di sản văn hóa của chúng ta có nguy cơ bị mai một hay thậm chí bị biến mất hoàn toàn. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với các di sản văn hóa phi vật thể, vốn phụ thuộc nhiều vào các sinh hoạt cộng đồng thực tế. Một số khác có được bảo vệ nhưng chưa được quảng bá, khai thác hiệu quả cho các nhu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch và giáo dục.

Các ưu thế của công nghệ thông tin cho phép đưa ra những giải pháp tối ưu để bảo tồn, quảng bá, phát triển và khai thác các di sản văn hóa phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục, du lịch và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, như nghiên cứu ở trên đã chỉ ra, hiện nay ở Việt Nam hướng nghiên cứu về số hoá các di sản văn hoá và nghệ thuật còn rất mới, chưa thực sự được hình thành và triển khai trong thực tiễn. Những công nghệ đa phương tiện hiện đại kết hợp với mạng Internet có thể dễ dàng đưa những di sản này đến gần gũi hơn với các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước hiện được sử dụng với mức độ rất khiêm tốn.  Đây là một cơ hội để mở ra một hướng nghiên cứu mới, mang tính liên kết đa ngành: Công nghệ thông tin, Lịch sử, Văn hoá nghệ thuật, Di sản văn hoá nghệ thuật, v.v).

Nhận thức được nhu cầu nói trên, Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN, đã đề xuất một chương trình nghiên cứu và ứng dụng dài hạn mang tên “Ứng dụng số hóa để bảo tồn di sản văn hóa, nghệ thuật”. Đối tượng số hóa của chương trình rất đa dạng bao gồm tất cả các di sản văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam vật thể (các công trình kiến trúc, đền chùa, các di tích lịch sử, …) và phi vật thể (sử thi, làn điệu dân ca, nghi lễ tín ngưỡng, …). Ưu tiên sẽ được dành cho những di sản đang có nguy cơ mai một cao nhằm mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng lại khi điều kiện cho phép. Tiếp đó là những di sản có giá trị lịch sử, du lịch nhằm mục tiêu quảng bá, giáo dục và thương mại. Chương trình tận dụng những ưu thế của công nghệ thông tin như: chi phí thấp; tính trực quan và độ tin cậy cao; tích hợp cả âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là âm thanh nổi và hình ảnh ba chiều ;  dễ dàng cập nhật và nâng cao chất lượng ; cho phép tiếp cận không giới hạn về thời gian, địa điểm thông qua Internet ; cho phép đa ngôn ngữ, …, để đưa các di sản này đến với cộng đồng, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước, kết hợp quảng bá đất nước và con người Việt Nam, đồng thời tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững các di sản của mình.

Thăm quan ảo Nhà hát lơn Hà Nội

Sản phẩm tham quan ảo Nhà hát lớn Hà Nội - Dự án "Số hóa Nhà hát lớn Hà Nội"

(Xem clip Đài PTTHHN nói về buổi ra mắt sản phẩm tham quan ảo nhà Hát Lớn Hà Nội)

 

1- Dự án “Số hóa Nhà hát lớn Hà Nội” đã được lựa chọn là dự án thử nghiệm đầu tiên của Chương trình. Dự án nhằm xây dựng một mô hình (sản phẩm) số hoá Nhà hát lớn Hà Nội, một mặt vừa để phục vụ ngay cho công tác bảo tồn, duy tu, quảng bá, nghiên cứu và học tập về Nhà hát lớn Hà Nội, mặt khác là mô hình mẫu để đánh giá khả năng và rút kinh nghiệm triển khai những dự án số hóa tiếp theo.

Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc độc đáo với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật biểu diễn. Việc xây dựng Nhà hát lớn (năm 1911)  tạo ra những tiền đề quan trọng cho sự mở rộng giao lưu văn hoá, trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong công cuộc chấn hưng văn hoá dân tộc đầu thế kỉ XX. Hiện nay đó là một công trình quan trọng của đô thị và kiến trúc thủ đô.

Với giá trị rất lớn về mặt lịch sử, kiến trúc và giá trị sử dụng như vậy, nhu cầu nghiên cứu về công trình kiến trúc này phục vụ các mục đích quảng bá văn hóa, du lịch và giáo dục đào tạo là rất lớn. Tuy nhiên việc tiếp cận nghiên cứu trực tiếp Nhà hát lớn gặp nhiều khó khăn và tốn kém. Vì vậy, một công trình số hóa về nhà hát lớn là cấp bách và rất cần thiết nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, quảng bá và tham quan trực tuyến.

Dự án do Viện Quốc tế Pháp ngữ chủ trì và đã được triển khai trong thời gian 6 tháng cuối năm 2016. Dự án nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), về lịch sử của một số học giả Pháp và Việt Nam. Các đối tác của dự án gồm Ban Quản lý Nhà hát lớn Hà Nội và Công ty Vietnam Graphics.

Sản phẩm hoàn thiện của dự án - Tham quan ảo Nhà hát lớn Hà Nội: http://www.ifi.edu.vn/HanoiOperaHouseVR/

2- Dự án Số hóa di sản kiến trúc đại học Pháp tại Việt Nam - Trường hợp khuôn viên khoa ngôn ngữ và văn hóa Pháp - Trường ĐHNN - ĐH Quốc Gia Hà Nội.

Tháng 5/2017, Viện Quốc tế Pháp ngữ bắt đầu triển khai dự án: Số hóa di sản kiến trúc đại học Pháp tại Việt Nam - Trường hợp khuôn viên khoa ngôn ngữ và văn hóa Pháp - Trường ĐHNN - ĐH Quốc Gia Hà Nội.

Khuôn viên khoa Pháp thuộc trường Đại học Ngoại ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội được khánh thành năm 1984 là một trong những quà tặng của nước Pháp dành cho Việt Nam mang đậm dấu ấn văn minh Pháp trong lĩnh vực văn hoá giáo dục. Nằm giữa khuôn viên của Đại học Quốc gia Hà Nội – 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy - khu vực có mức độ đô thị hoá nhanh nhất hiện nay, nhưng công trình Khoa Pháp còn giữ nguyên trạng được nét kiến trúc tinh tế, điệu đà và lãng mạn của Pháp dù đã trải qua nhiều thập kỷ. Công trình thể hiện được những nét tinh tế, những thiết kế hợp lý trường tồn với thời gian và là biểu tượng in sâu trong tâm khảm của nhiều thế hệ trường Đại học ngoại ngữ nói chung và “dân tiếng Pháp” nói riêng.  Đây là một công trình mang đầy đủ giá trị về văn hoá, giáo dục, kiến trúc cũng như lịch sử.

Dự án có mục tiêu: 

- Sử dụng công nghệ, phương pháp hiện đại và công cụ công nghệ thông tin (đặc biệt là công nghệ xử lý thông tin đa phương tiện) nhằm số hóa các di sản kiến trúc đại học tại ĐHQGHN. Dự án nằm trong chương trình lớn của IFI nhằm số hóa các di sản văn hoá nghệ thuật có giá trị văn hoá, kiến trúc và lịch sử.

- Xây dựng một chuyến tham quan ảo khuôn viên Khoa ngôn ngữ và văn hóa Pháp thuộc trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học quốc gia Hà Nội, phục vụ cho công tác bảo tồn, duy tu, quảng bá, nghiên cứu về những công trình mang đậm dấu ấn của văn hoá Pháp trong lĩnh vực văn hoá giáo dục tại nước ta.

Dự kiến sản phẩm chính của dự án là Trang “Khám phá lịch sử và kiến trúc Khuôn viên khoa Pháp” sẵn sàng vận hành trên Internet cho phép tìm hiểu, tham khảo các tư liệu lịch sử, hình ảnh và công trình nghiên cứu về Khuôn viên khoa Pháp, thăm quan ảo công trình với hình ảnh 3D 360o sân chơi, khu vườn hoa, phòng học, phòng hội thảo, khuôn viên.

Sản phẩm hoàn thiện của dự án - Tham quan ảo Khuôn viên khoa Pháp, ĐHNN-ĐHQGHN http://ifi.vnu.edu.vn/PUFHANOIVR/

Video giới thiệu về gói sản phẩm số hóa của IFI: