Khoa Quốc tế Pháp ngữ

http://ifi.edu.vn


Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và an ninh con người”

Ngày 18/10/2023, Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN (VNU-IFI) phối hợp với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF) - Đại học Jean Moulin Lyon 3 tổ chức Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và vấn đề an ninh con người”. Sự kiện còn có sự đồng hành của Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Viện Pháp tại Việt Nam (IFV), Tập đoàn giáo dục toàn cầu Galileo (GGEF), Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI), Tập đoàn Linagora Việt Nam và Viện Nghiên cứu Châu Phi - Trung Đông (IAMES), Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Vietnam DX và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.

 

Cụm từ “an ninh con người” lần đầu tiên được Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) sử dụng vào năm 1994 trong Báo cáo hàng năm về sự phát triển của con người - tài liệu được cho là đã đề cập toàn diện nhất về khái niệm an ninh con người. Trong đó, UNDP đã phát triển một bước đột phá kép so với tầm nhìn truyền thống về an ninh, cụ thể: (i) an ninh con người nhằm mục đích định vị lại các cá nhân với tư cách là chủ thể chính của an ninh hơn là các quốc gia; (ii) phá vỡ quan điểm và tầm nhìn về an ninh chỉ tập trung vào các vấn đề quân sự. Chính vậy, UNDP đã đề xuất khái niệm an ninh con người, với 07 nhân tố cấu thành gồm: (1) an ninh kinh tế, (2) an ninh lương thực, (3) an ninh y tế, (4) an ninh môi trường, (5) an ninh cá nhân, (6) an ninh cộng đồng và (7) an ninh chính trị.

 

An ninh con người chiếm một vị trí quan trọng trong bốn lĩnh vực an ninh chủ yếu, cùng với an ninh quốc gia, an ninh công cộng và an ninh phi truyền thống.An ninh con người và đảm bảo an ninh con người luôn là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, theo đó, không chỉ đơn giản là tình trạng không có xung đột bạo lực, mà còn bao gồm nhân quyền, quản lý nhà nước tốt, cơ hội tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm mỗi cá nhân có cơ hội và sự lựa chọn để phát huy được năng lực của mình. Các quốc gia luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển, nói cách khác, con người là trung tâm, là quan trọng nhất trong quá trình phát triển. An ninh con người là điều kiện sống còn cho sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc.

 

Những biến động trong an ninh quốc tế hiện nay đang ngày càng làm rõ ràng hơn phạm trù an ninh con người; các yếu tố thay đổi có ảnh hưởng sâu sắc và tác động đến an ninh con người. Theo đó, kỹ thuật số được xếp như một trong những vấn đề được quan tâm nhất mà hệ quả chính của nó là quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức cho sự phát triển an ninh con người của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Dưới sự tác động mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hóa nói chung và quá trình chuyển đổi số nói riêng, an ninh con người được đặt trong mối quan hệ mật thiết với những nội dung an ninh khác. Bối cảnh hiện nay cho thấy, cần có sự hợp lực từ các quốc gia - dân tộc, để cùng gây dựng môi trường an toàn cho không chỉ người dân sống trên lãnh thổ của mình, mà còn góp phần đảm bảo an ninh con người trên phạm vi toàn cầu.

 

Hội thảo quốc tế "Chuyển đổi số và an ninh con người" quy tụ các học giả, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và chuyên môn học thuật xoay quanh chủ đề An ninh con người và những tác động của chuyển đổi số. 

  • Thời gian: 14h00 - 17h30 | Thứ Tư ngày 18/10/2023
  • Địa điểm: Hội trường 104, nhà E5, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy Hà Nội
  • Hình thức: kết hợp trực tiếp và trực tuyến
  • Ngôn ngữ: Anh, Pháp, Việt

Chương trình dự kiến:

Thời gian Nội dung
13h30-14h00 Đón tiếp đại biểu 
14h00-14h05 Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu 
14h05-14h15 Phát biểu khai mạc 
14h15-15h00 Phiên toàn thể : Con người và đảm bảo an ninh con người - yếu tố trung tâm của chuyển đổi số 
15h00-16h00 Phiên tham luận: An ninh con người trong các lĩnh vực
  • An ninh con người và hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam - Ông Bùi Thanh Tuấn, Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Bộ Công An (trực tiếp)
  • Trí tuệ nhân tạo và an ninh con người – Ông Philippe AWONO EYEBE, Giáo viên-nhà nghiên cứu Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Yaoundé II và Đại học Jean Moulin Lyon 3, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đa ngành về Trí tuệ Nhân tạo (CREPIA) (trực tuyến)
  • An ninh môi trường và tác động của biến đổi khí hậu và sinh thái tới an ninh con người - Bà Caroline Rizza, Viện Bách khoa Paris, Nhà nghiên cứu thỉnh giảng, Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững Quốc gia Pháp (IRD) tại Hà Nội; Chủ tịch Hiệp hội ISCRAM (2019-2023) về Hệ thống thông tin quản lý và ứng phó khủng hoảng (trực tiếp)
  • Tác động của trí tuệ nhân tạo tổng hợp trong quy trình và tổ chức công việc Ông Olivier Feix, Cố vấn chuyên môn, Điều phối viên đào tạo và Giảng viên an ninh mạng, Tập đoàn giáo dục toàn cầu Galileo (trực tuyến)
  • An ninh y tế và sức khỏe cộng đồng - Bác sĩ Nguyễn Trần Thủy, Phó trưởng khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Giám đốc trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến Bệnh viện E (trực tiếp)
  • Phương pháp đào tạo sáng tạo để giảm thiểu rủi ro về sức khỏe trong bối cảnh chuyển đổi số - Ông Serigne Magueye Gueye, Giám đốc Trung tâm Pháp ngữ-Sénégal (trực tiếp)
16h00-16h15 Nghỉ giải lao - Tea break 
16h15-17h15 Phiên thảo luận: An ninh con người từ những góc nhìn của các quốc gia và khu vực (dưới hình thức trao đổi giữa chủ tọa và các diễn giả) 
Chủ tọa:
  • Bà Đặng Hồng Khanh, Phó Giám đốc phụ trách Nghiên cứu, Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF), Đại học Jean Moulin Lyon 3, Pháp
  • Ông Đào Tùng, Trưởng phòng Đào tạo & Công tác Chính trị học sinh sinh viên, Khoa Quốc tế Pháp ngữ 
17h15-17h30 Hỏi đáp - Q&A 
17h30 Kết luận - Phát biểu bế mạc của Ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN 

 

Đăng ký tham dự tại đây

Franconomics là diễn đàn quốc tế thường niên do IFI khởi xướng, được Đại học Quốc gia Hà Nội bảo trợ. Không chỉ là không gian đối thoại quốc tế đa ngành về lý luận và thực tiễn trong các chủ đề mang tính thời sự kinh tế – xã hội; Franconomics còn là nơi giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các đơn vị trong nước và Quốc tế, và là cơ hội kết nối giữa các nhà khoa học, doanh nhân, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước.

Chủ đề của Franconomics qua các năm:

  • 2019: Công nghệ số cho sự phát triển kinh tế - xã hội thông minh
  • 2020: Từ khởi nghiệp cho đến khởi nghiệp thông minh
  • 2021: Những thách thức của chuyển đổi số với việc tiếp cận công bằng các dịch vụ thiết yếu trong thời đại Covid-19
  • 2022: Kinh tế tuần hoàn và những cơ hội hợp tác trong không gian Pháp ngữ
  • 2023: Nhân văn số: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số
 

 

LIÊN HỆ

Bà Trang Huỳnh Như

Bộ phận Truyền thông, Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội

Phòng 108, nhà E5, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: thnhu@vnu.edu.vn