Thông cáo báo chí: Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và con người: những tác động đa chiều của một cuộc cách mạng công nghệ”

Thứ năm - 21/10/2021 09:58

Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN (IFI) tổ chức Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và con người: những tác động đa chiều của một cuộc cách mạng công nghệ”. Hội thảo được tổ chức với sự phối hợp của các đơn vị gồm: Cục Quản lý thị trường và phát triển Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (NATEC); Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN (VJU); Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH); Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF); Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia (NSSC); Làng Công nghệ Tiên phong (Frontier Village) và Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN (VSL).

banner v2

Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cường quốc công nghệ từ lâu đã xây dựng chiến lược phát triển AI của riêng mình, lấy công nghệ này làm cốt lõi để tăng tốc phát triển kinh tế.

Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã bắt đầu phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục, thông tin - truyền thông, kinh doanh, thương mại, dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe, và những lĩnh vực khác, không chỉ dần chiếm lĩnh thị trường mà còn thu về lợi nhuận khổng lồ.

Hiện nay, AI đang là tâm điểm của giới công nghệ toàn cầu và đang được chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này. Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam vào 4 nhóm nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng thành công 10 thương hiệu AI uy tín trong khu vực.

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp AI của Việt Nam đã đạt được những bước tiến rõ rệt với sự hiện diện ngày càng tăng của công nghệ AI trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hiện đại. AI và các dự án ứng dụng AI đã và đang thu hút sự quan tâm, đầu tư không chỉ từ các tập đoàn công nghệ lớn, mà còn là sân chơi mới cho các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thử sức và thực hiện những mô hình kinh doanh mới. Với tốc độ phát triển “thần tốc” như hiện nay, lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo Việt Nam được dự báo sẽ sớm vươn lên tầm cao mới để cùng thế giới giải quyết các thách thức thế kỷ. Đây là khát vọng lớn, đồng thời cũng là động lực cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đang đối diện với những khó khăn nhất định. Để phát triển AI một cách toàn diện, Việt Nam cần giải quyết các bài toán về: quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng, hạ tầng dữ liệu và cách thu thập, khai thác nguồn dữ liệu lớn (Big Data). Ngoài ra, các ngành đào tạo về lĩnh vực AI ở Việt Nam còn non trẻ, đặc biệt là sự thiếu hụt bộ phận chuyên gia – giảng viên đào tạo về công nghệ này, từ đó đặt ra những hạn chế nhất định cho sự phát triển nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Nhận diện những thách thức và rào cản trong việc phát triển AI tại Việt Nam và những tác động của công nghệ này tới các mặt của đời sống kinh tế, xã hội sẽ giúp đưa ra các chính sách, định hướng phát triển phù hợp và bền vững. Đây cũng là mục tiêu của Hội thảo quốc tế Trí tuệ nhân tạo và con người: những tác động đa chiều của một cuộc cách mạng công nghệ do IFI và các đối tác tổ chức. Đồng thời, Hội thảo này cũng là một trong những sự kiện quan trọng trước thềm TECHFEST-2021 - sự kiện quốc gia lớn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ. Sự kiện sẽ được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đặc biệt, hội thảo còn vinh hạnh nhận được tài trợ của Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VinIF) thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VinBigData) do Tập đoàn Vingroup thành lập vào năm 2018. VinIF có mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học và các tài năng trẻ thuộc các Trường đại học và các Viện nghiên cứu thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, y dược, kinh tế và giáo dục nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bên vững cho Việt Nam.

Hội thảo gồm 3 chủ đề chính: “Trí tuệ nhân tạo và các công nghệ 4.0”; “Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với xã hội” “Luật pháp và Quản lý nhà nước trong thời đại AI” với sự tham gia của những chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này:

  • GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng Thí nghiệm Mục tiêu Trí tuệ nhân tạo, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN); Phó Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Công nghệ Trọng điểm Quốc gia KC4.0/2019-2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ;
  • GS.TS Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM); Giám đốc khoa học của Viện John von Neumann, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh;
  • Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc, Đồng sáng lập Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo (MDI); CEO Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF); Đồng sáng lập Mạng lưới Sáng kiến xã hội trí tuệ nhân tạo – AIWS
  • Ông Vincent Ribière, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Viện Tri thức và Đổi mới Đông Nam Á (IKI-SEA)
  • GS. Antoine Doucet, Trưởng khoa, Khoa Công nghệ thông tin & Truyền thông, Trường Đại học Khoa học & Công nghệ Hà Nội (USTH)
  • GS. Amal El Fallah Seghrouchni, Đại học Sorbonne, Pháp; Thành viên Ủy ban Thế giới về Đạo đức Tri thức Khoa học và Công nghệ (COMEST-UNESCO)
  • PGS.TS Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (ITI), ĐHQGHN
  • PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp - Luật Hành chính, Khoa Luật, ĐHQGHN

Chương trình Hội thảo: tại đây

Thông tin chi tiết:

Hội thảo Trí tuệ nhân tạo và con người: những tác động đa chiều của một cuộc cách mạng công nghệ 

 


 
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU