Buổi học thực tế tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam của sinh viên VNU-IFI
Khởi đầu chuyến tham quan, cô và trò VNU-IFI đã khám phá tòa Trống Đồng, nơi trưng bày hàng nghìn hiện vật phản ánh đời sống văn hóa của 54 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Được thiết kế như một cuốn sách sống động, không gian này giới thiệu sự đa dạng về phong tục tập quán, trang phục, kiến trúc, nhạc cụ, và các hoạt động thường nhật của các dân tộc Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử. Các sinh viên ngành Truyền thông số đã có cơ hội tìm hiểu ý nghĩa của từng hiện vật, đồng thời được lắng nghe những câu chuyện thú vị về đời sống và phong tục của các cộng đồng dân tộc như Dao, H’Mông, Mường, Gia-rai.
Cô và trò IFI tìm hiểu về văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tòa Trống Đồng
TS. Ngô Bích Thu giới thiệu cho sinh viên về các hiện vật tại Bảo tàng
Một trong những điểm mới khiến nhiều sinh viên thích thú là triển lãm “Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của Người Thái Nghệ An”. Thông qua kỹ thuật dệt, thêu tinh xảo và cách phối màu hài hòa cùng với những nguyên liệu tự nhiên, gần 200 tấm mặt chăn (nà pha) tại khu trưng bày đã thể hiện nét đặc trưng thẩm mỹ cũng như đời sống văn hóa cộng đồng người Thái Trắng ở miền Tây Nghệ An. Hoàng Thị Lan Nhi, sinh viên lớp TTS1 chia sẻ: “Em cảm thấy vô cùng đặc biệt và tự hào khi nét văn hoá truyền thống của dân tộc Thái ở xứ Nghệ được gìn giữ, lưu truyền và quảng bá rộng rãi và được mọi người biết đến và yêu thích. Em và các bạn trong lớp đã để lại một số dòng lưu bút tại đây với hy vọng rằng các khách tham quan có thể đọc được và cảm nhận được tình yêu, niềm tự hào của em cũng như các bạn không chỉ đối với các nét văn hoá của dân tộc Thái mà của đất nước Việt Nam.”
Khu vực trưng bày “Nà pha - Nghệ thuật trang trí hoa văn của Người Thái Nghệ An” (Ảnh: Báo Văn hóa)
Đoàn tiếp tục di chuyển đến tòa Cánh Diều để tham quan các không gian trưng bày về văn hóa ngoài Việt Nam như Văn hóa Đông Nam Á, Một thoáng châu Á và Vòng quanh thế giới. Các sinh viên đã được TS. Ngô Bích Thu giới thiệu về nhiều hiện vật độc đáo của các nước trên thế giới như gốm sứ Nhật Bản, tranh kính Indonesia, rối dây Myanmar hay mặt nạ thổ dân châu Phi.
Sinh viên VNU-IFI tham quan tòa Cánh Diều
Sinh viên tìm hiểu về Kinh Koran của Đạo Hồi
Điểm cuối của chuyến tham quan là Vườn Kiến trúc với 10 công trình tiêu biểu cho kiến trúc nhà của các dân tộc. Mỗi khu vực tại đây đều được xây dựng theo kích thước nguyên mẫu, tái hiện chân thực đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của mỗi cộng đồng dân tộc thông qua lai lịch và câu chuyện riêng. Bị thu hút bởi không gian nhà sàn Tày, Nguyễn Thu Hiền, lớp TTS1 có những quan sát và cảm nhận thú vị: “Ngôi nhà sàn nằm giữa một không gian mở, được dựng hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, nứa và lá cọ. Điều đặc biệt là thiết kế ngôi nhà mang tính ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu miền núi, giúp chống lụt lội và hạn chế sự tấn công của côn trùng, thú dữ. Đằng sau ngôi nhà sàn là triết lý sống đáng ngưỡng mộ: hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng môi trường. Trong thế giới hiện đại hôm nay, khi chúng ta đối mặt với những hệ lụy từ ô nhiễm và biến đổi khí hậu, bài học từ ngôi nhà sàn này trở nên vô cùng giá trị. Nó nhắc nhở em rằng sự bền vững phải xuất phát từ chính cách con người đối xử với tự nhiên, từ những điều nhỏ bé nhất trong cuộc sống hàng ngày.”
Sinh viên tham quan Vườn Kiến trúc
Chuyến tham quan đã giúp sinh viên ngành Truyền thông số của VNU-IFI có những trải nghiệm quý giá về sự phong phú, giàu đẹp của văn hóa 54 dân tộc Việt Nam. Hoạt động không chỉ mang đến những kiến thức bổ ích văn hóa, lịch sử mà còn giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm, quan sát, ghi chép và thuyết trình. Sinh viên Khổng Thanh Hằng, lớp TTS1 chia sẻ bản thân đã có nhiều cảm xúc từ ngạc nhiên, thích thú cho đến tự hào và suy ngẫm sâu sắc khi tham quan Bảo tàng: “Dân tộc là một miền ký ức, nơi những giá trị văn hóa được gìn giữ và phát huy. Câu nói này luôn nhắc nhở em về tầm quan trọng của việc hiểu và trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc. Là sinh viên năm nhất của VNU-IFI, em luôn tìm kiếm những cơ hội để mở rộng kiến thức và trải nghiệm thực tế. Bởi vậy, buổi học thực tế môn “Kỹ năng bổ trợ” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành một dấu ấn khó quên đối với em. Đây không chỉ là một hoạt động ngoại khóa mà còn là cơ hội để em chiêm nghiệm và khám phá những nét đẹp truyền thống, những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc.”
Đặc biệt, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các sinh viên Khóa 31 đã có những lời chúc, lời nhắn gửi tới các thầy, cô giáo tại VNU-IFI:
“Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt cho lớp TTS1 của Khoa Quốc tế Pháp Ngữ - ĐHQGHN, em xin gửi lời tri ân chân thành nhất tới các thầy cô. Cảm ơn Thầy Cô đã truyền đạt những kiến thức, dạy dỗ và hướng dẫn chúng em trên bước đường trưởng thành và hướng tới khát vọng của bản thân mình. Chúc thầy cô luôn mạnh khoẻ, thành công và đặc biệt luôn giữ được lửa nghề để tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ học trò.” - Đỗ Quyên-Lớp TTS11.
“Trên con đường trưởng thành thật may mắn khi có thầy cô ở bên cạnh đồng hành cùng em. Em xin chúc thầy cô có một ngày lễ thật vui vẻ và ý nghĩa. Và chúc thầy cô sẽ có thật nhiều sức khỏe để dìu dắt thế hệ mai sau.” - Cao Linh, lớp TTS1.
“Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng em xin được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các thầy cô – những người đã tận tụy cống hiến không mệt mỏi, trao truyền tri thức và dìu dắt chúng em trên hành trình khám phá bản thân và chinh phục thế giới. Đặc biệt, tại IFI – ngôi nhà chung của tri thức và văn hóa Pháp ngữ, thầy cô đã mở ra cho chúng em những chân trời rộng lớn, nơi giao thoa giữa tri thức, sự sáng tạo và khát vọng vươn xa. Nhờ thầy cô, chúng em không chỉ được học cách lĩnh hội tri thức hiện đại mà còn biết trân trọng sự đa dạng văn hóa, trở thành những công dân toàn cầu tự tin, đầy trách nhiệm.” - Thanh Thúy, lớp TTS1.
"Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, em xin gửi lời tri ân tới thầy cô, cảm ơn thầy cô vì sự kiên nhẫn, tình yêu thương và những bài học không thể nào quên. Chúc thầy cô luôn giữ vững ngọn lửa đam mê, mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục dìu dắt chúng em trên con đường trưởng thành.” –Thúy Vân, lớp TTS2.
Những tin cũ hơn