Diễn đàn quốc tế Franconomics-2024 "Năng lượng tái tạo: kịch bản cho tương lai xanh"

Thứ sáu - 29/03/2024 16:57
Diễn đàn quốc tế Franconomics-2024 "Năng lượng tái tạo: kịch bản cho tương lai xanh"

Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI) - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện Quốc tế Pháp ngữ (2IF) - Đại học Jean Moulin Lyon 3 đồng tổ chức Diễn đàn quốc tế Franconomics-2024 với chủ đề “Năng lượng tái tạo: kịch bản cho tương lai xanh", diễn ra vào ngày 16-17/10/2024 tại Hà Nội.

GIỚI THIỆU CHUNG

Franconomics là diễn đàn quốc tế thường niên do IFI khởi xướng, được Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) bảo trợ. Không chỉ là không gian đối thoại quốc tế đa ngành về lý luận và thực tiễn trong các chủ đề mang tính thời sự kinh tế – xã hội; Franconomics còn là nơi giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các đơn vị trong nước và Quốc tế, và là cơ hội kết nối giữa các nhà khoa học, doanh nhân, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước, đặc biệt với sự tham gia của các quốc gia Cộng đồng Pháp ngữ (88 quốc gia thành viên và quan sát viên), Franconomics còn hướng đến mục tiêu kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế thông qua các hội nghị, diễn đàn thường niên về các chủ đề kinh tế, xã hội nổi bật mà Việt Nam và thế giới quan tâm.

Chủ để của Franconomics qua các năm:

FRANCONOMICS-2024
"NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: KỊCH BẢN CHO TƯƠNG LAI XANH"

Quá trình chuyển đổi năng lượng là con đường hướng tới sự chuyển đổi ngành năng lượng từ nguồn gốc hóa thạch sang hệ thống năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, không carbon để hạn chế sự biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) vừa qua, ít nhất 80 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia đang phát triển, dễ bị tổn thương về khí hậu đã đề xuất "giảm dần/loại bỏ" việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào bản dự thảo thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu.

Trước đó, tại COP 26, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc đưa phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Chiến lược “Chống biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” của Việt Nam cũng chủ yếu thông qua việc chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải, trong đó ưu tiên thực hiện lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Các vấn đề về phát triển năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo và ứng dụng công nghệ vào ngành năng lượng phục vụ các mục tiêu xã hội và thân thiện môi trường đang được nhiều quốc gia, doanh nghiệp hàng đầu thế giới quan tâm nhằm kiến tạo nên tương lai mới cho ngành năng lượng. Điều này không chỉ giúp giảm lượng khí thải và ô nhiễm môi trường; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; giảm áp lực đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, than đá, khí đốt, mà còn đảm bảo ổn định an ninh năng lượng quốc gia, khu vực; ổn định giá năng lượng; tạo ra cơ hội việc làm...

Với mục đích trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm và chuyên môn học thuật về năng lượng tái tạo và các khía cạnh liên quan, Ban Tổ chức Franconmics-2024 trân trọng kính mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ giảng viên,... tham gia đóng góp nội dung cho Franconomics-2024. Các bài viết có chất lượng sẽ được đăng trong Kỷ yếu DAAS-2024 (có số ISBN và ISSN 2734-9969) và các bài viết xuất sắc sẽ được đăng trên Ấn phẩm Khoa học Cộng đồng Pháp ngữ tại Châu Á - Thái Bình Dương (ISBN quốc tế và ISSN 2525-2488) do IFI và Đại học Aix Marseille (CH Pháp) hợp tác xuất bản.

Chủ đề của bài viết bao gồm nhưng không giới hạn trong các vấn đề sau:

  • Khái niệm và các loại hình năng lượng tái tạo, các công nghệ và các yếu tố cốt lõi để triển khai ứng dụng năng lượng tái tạo vào đời sống;
  • Tầm ảnh hưởng, những ưu điểm, hạn chế và những vấn đề liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh hiện nay;
  • Ứng dụng và mô hình năng lượng tái tạo;
  • Tiềm năng và cơ hội hợp tác để phát triển trong lĩnh vực này;
  • Thách thức công nghệ và kỹ thuật trong triển khai năng lượng tái tạo;
  • Tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong phát triển bền vững;
  • Tiềm năng phát triển và triển khai năng lượng tái tạo tại Việt Nam và các quốc gia, khu vực trên thế giới;
  • Nghiên cứu về tiềm năng năng lượng tái tạo tại các vùng địa lý cụ thể;
  • So sánh và phân tích chi phí và hiệu suất của các nguồn năng lượng tái tạo;
  • Các mô hình triển khai ứng dụng năng lượng tái tạo thành công;
  • Chính sách và cơ chế quản lý để thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo;
  • Khuyến nghị, đề xuất đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng năng lượng tái tạo;
  • Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo;
  • Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thời hạn gửi đề xuất, toàn văn tham luận:

  • Thời hạn gửi đề xuất tham luận:    15/8/2024
  • Thời hạn gửi toàn văn tham luận:  30/8/2024

Thể lệ đối với bài đề xuất tham luận và toàn văn tham luận:

  • Đề xuất tham luận (tên bài viết, tên tiểu mục, từ khoá): không quá 500 từ
  • Toàn văn tham luận (không kể tên bài, tóm tắt và từ khóa): không quá 5000 từ
  • Toàn văn tham luận được soạn thảo dưới dạng .docx, không cách dòng, kèm theo họ tên tác giả, số điện thoại, cơ quan công tác.
  • Hình thức bài viết: Bài viết được trình bày với cỡ chữ 13 giãn dòng Single, sử dụng font chữ Times New Roman. Căn lề: trên 2 cm; dưới 2 cm; phải 2 cm; trái 3 cm. Các trang, hình, bảng biểu phải được đánh số rõ ràng, chính xác.
  • Ngôn ngữ trình bày tham luận: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp

Địa chỉ liên hệ và gửi bài viết:

Khoa Quốc tế Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Địa chỉ: Phòng 109, nhà E5, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Số điện thoại liên hệ: 0243.745.0173 hoặc 0976.181.193 (Ms Ngọc)

Email tiếp nhận bài viết: brain.ifi@vnu.edu.vn

Tác giả bài viết: IFI-BRAIN


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage