Chị Trần Phương Hoa, hiện đang công tác tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) trong vai trò Giám đốc Phát triển đối tác số, và là học viên Khóa 2, chương trình Thạc sĩ Ngân hàng, Tài chính và Công nghệ tài chính (Fintech) tại IFI. Trong một cuộc trò chuyện gần đây, chị đã chia sẻ về quyết định theo học Thạc sĩ Fintech tại IFI và những trăn trở chị đã trải qua từ những ngày đầu làm việc trong lĩnh vực Ngân hàng.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, một trong những ngành học “mũi nhọn” tại một trường Đại học hàng đầu ở Hà Nội, chị Hoa đã bắt đầu công việc đầu tiên của mình trong lĩnh vực Ngân hàng. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nghề nghiệp có tính cạnh tranh lớn và là “xu hướng” trong những năm 2000. Tính đến nay, chị Hoa đã có gần 18 năm thâm niên trong nghề và tích luỹ được nhiều kiến thức quý báu về ngân hàng, tài chính và gần đây là công nghệ tài chính.
Xin chào chị Phương Hoa, rất vui được gặp chị trong buổi trò chuyện ngày hôm nay. Để làm quen với độc giả, chị có thể giới thiệu đôi nét về bản thân được không?
Xin chào IFI, mình là Trần Phương Hoa, học viên Khóa 2, lớp Thạc sĩ Fintech, hiện đang công tác tại ABBANK, Ngân hàng TMCP An Bình, với vai trò là Giám đốc Phát triển đối tác số. Mình đã rất vui và hào hứng khi nhận được lời mời phỏng vấn từ IFI để chia sẻ những câu chuyện về nghề và những điều quý giá mình học được từ các thầy cô ở IFI.
Cá nhân mình là một người yêu thích sự tự do và sáng tạo. Trong công việc, mình có xu hướng lựa chọn những cách làm mang tính đổi mới, đòi hỏi cao về tính sáng tạo, hạn chế đi theo lối mòn. Mình cho rằng đây cũng là điều cần thiết đối với công việc của mình. Bởi trong vai trò lãnh đạo, mình cần là người tiên phong và nhạy bén với những cái mới, với những tiềm năng của thị trường ngân hàng số hiện nay, từ đó đưa ra những định hướng phù hợp giúp tập thể của mình phát triển tốt hơn.
Ngoài công việc, sở thích của mình cũng liên quan khá nhiều tới tính tự do, khoáng đạt, điển hình như đi du lịch trải nghiệm, đặc biệt là khám phá những vùng đất, địa danh mới, ghi lại những khoảnh khắc đẹp hay tìm hiểu về các xu hướng thời trang,...
Là một người quản lý đầy nhiệt huyết, liệu đây có phải lĩnh vực chị đã theo đuổi từ thời sinh viên không?
Tại thời điểm mình mới ra trường thì việc chọn Ngân hàng không hẳn là do đam mê (cười). Có lẽ một phần là bởi ngành tài chính, ngân hàng đang là xu hướng nghề nghiệp đối với giới trẻ tại thời điểm đó.
Trong những năm tháng đầu tiên ấy, chị đã gặp những khó khăn gì trong công việc? Chị đã vượt qua chúng như thế nào?
Mình bắt đầu công việc đầu tiên với vị trí là Chuyên viên Khách hàng doanh nghiệp. Tất nhiên, ai trong giai đoạn đầu mới đi làm đều sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Mình nghĩ chủ yếu là do các kiến thức, trải nghiệm tại giảng đường đại học khác xa nhiều với thực tế làm việc. Tuy nhiên, tới bây giờ mình thấy sự bỡ ngỡ này là điều hoàn toàn bình thường đối với phần lớn các bạn sinh viên mới ra trường. Ai rồi cũng sẽ phải trải qua những “cú sốc” đầu đời khi mới đi làm, nhưng mình tin là mỗi người đều sẽ có cách nào đó để tự vượt qua khó khăn. Với trường hợp của mình, ngày đó mình đã luôn phải tự động viên bản thân là cố gắng nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, và kiên định với mục tiêu nghề nghiệp mà mình đã đặt ra.
Sau khi trải qua nhiều vị trí công việc, từ lúc nào chị quyết định đi học Thạc sĩ ?
Mình bắt đầu tò mò về Fintech khi một người sếp cũ của mình quyết định thay đổi định hướng công việc từ Banking sang Fintech sau hơn 20 năm gắn bó với lĩnh vực này. Qua tìm hiểu, mình thấy Fintech là một lĩnh vực khá thú vị khi nó có thể tích hợp tài chính với các ứng dụng công nghệ mới và tạo ra những đột phá trong ngành dịch vụ tài chính. Hơn nữa, Fintech còn giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng khi sử dụng các sản phẩm số. Nhận ra điều này, mình đã muốn nắm bắt ngay những kiến thức ấy và lên kế hoạch chuyển việc sang lĩnh vực Ngân hàng số.
Khi suy nghĩ tới việc đi học về Fintech, mình cũng loay hoay một thời gian tìm hiểu về những nơi đào tạo uy tín. Sau khi học đại học, mình thật sự không có ý định học Master (Thạc sĩ) ở Việt Nam vì chưa thực sự tin tưởng vào tính ứng dụng thực tiễn của các chương trình này. Tuy nhiên, sau khi tình cờ biết chương trình Thạc sĩ Fintech liên kết đào tạo giữa Trường Quản lý Normandie (EM Normandie) với IFI, mình đã quyết định đăng ký học sau khi tham khảo nội dung chương trình và danh sách giảng viên.
Trong suốt quá trình học tập, điều gì ở chương trình này mà chị cho là thực sự hữu ích với công việc của chị?
Trước đây, chuyên môn của mình tập trung chủ yếu ở mảng kinh doanh, xây dựng các giải pháp tài chính truyền thống. Do vậy, có rất nhiều kiến thức hay mà mình đã học được từ chương trình này. Đầu tiên là hiểu về việc áp dụng những công nghệ tiên tiến trong cải thiện và nâng cao chất lượng của các phương pháp cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống. Các kiến thức về Blockchain, AI, Machine Learning, IT Architecture hay Xây dựng Application đã được lồng ghép và truyền tải một cách rất thực tế đến học viên, đặc biệt là dưới sự giảng dạy của các giáo sư, tiến sĩ trong nước và quốc tế, với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, làm việc trong lĩnh vực Fintech tại các nước Châu Âu.
Một điểm tuyệt vời nữa mà mình rất trân quý là trong quá trình học, mình hoàn toàn có thể nhờ đến sự tư vấn của các Thầy khi gặp vấn đề trong công việc, hay hỗ trợ networking với lãnh đạo của các công ty Fintech, các chủ doanh nghiệp, start-up Fintech,… Ngoài ra, việc đi học tập trung cũng có lợi thế, đó là được giao lưu trực tiếp, kết bạn với những người cùng ngành, có thêm những người em, người chị luôn sẵn sàng hỗ trợ trong công việc. Đây là những điều mình thực sự cảm kích sau một thời gian học tập tại IFI.
Với vai trò là Giám đốc Phát triển đối tác số, chị đánh giá thế nào về tiềm năng của Fintech tại Việt Nam so với các nước trên thế giới?
Từ góc nhìn của mình, Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển Fintech trong thời gian tới. Thứ nhất, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ dân số đông, với lượng người dùng smartphone cao, có khả năng nắm bắt xu thế nhanh. Vì vậy, các dịch vụ tài chính số đã trở nên khá phổ biến với nhiều người dùng. Thứ hai, việc sử dụng tiền mặt của người dân tại Việt Nam vẫn còn khá cao, nên chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội khai thác thị trường Fintech ở thị trường này. Ngoài ra, nhu cầu tài chính cá nhân ở Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, và trong tương lai Việt Nam sẽ trở thành thị trường có sức hấp dẫn lớn đối với các sản phẩm Fintech.
Sau khi hoàn thành Thạc sĩ Fintech tại IFI, định hướng phát triển trong thời gian tới của chị sẽ là gì?
Sắp tới mình vẫn sẽ tiếp tục công việc hiện tại về mảng đối tác, kinh doanh số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tiện ích số. Còn về kế hoạch dài hơi thì mình đang có mong muốn tham gia vào quá trình chuyển đổi số không giới hạn ở tất cả các loại hình doanh nghiệp vì mình luôn muốn được trải nghiệm sự mới mẻ và đầy thách thức trong lĩnh vực này.
Cảm ơn chị đã tham gia phỏng vấn!
Tác giả bài viết: Hạnh Nguyên - IFI-COM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn