Kiến trúc Nhà hát lớn Hà Nội

Thứ tư - 28/12/2016 15:47
Kiến trúc Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà hát lớn Hà Nội là một kiến trúc độc đáo đặc trưng kiểu Pháp được mô phỏng theo hình mẫu của nhà hát Opera de Paris, tọa lạc tại một vị trí then chốt và mang nhiều giá trị văn hóa và kiến trúc.

Lịch sử xây dựng

Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình lớn mà Chính quyền thực dân Pháp đã xây dựng trong những năm đầu thế kỷ XX. Nhà hát được bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành vào năm 1911.

Tác giả đồ án thiết kế là hai kiến trúc sư Harlay và Broyer. Bản thiết kế này phải sửa đổi nhiều bởi sự góp ý của nhiều kiến trúc sư.

Công trình được khởi công vào ngày 7 tháng 6 năm 1901, dưới sự giám sát kỹ thuật của thanh tra đô thị - kiến trúc sư Harlay – một trong hai tác giả thiết kế. Người phụ trách thi công là hai ông Travary và Savelon.

Việc san lấp mặt bằng diễn ra rất vất vả. Hàng ngày có 300 công nhân làm việc, 35000 cọc tre được đóng với khối bê tông dày 90 cm. Công trình phải sử dụng hơn 12 000m3 vật liệu, gần 600 tấn gang thép. Công trình chiếm diện tích 2 600m2, chiều dài công trình là 87m, chiều rộng là 30m, điểm cao nhất của công trình so với mặt đường là 34m. Mặt trước của công trình rất bề thế, có nhiều bậc trông ra quảng trường rộng ( nay gọi là quảng trường Cách mạng tháng 8 ). Những bậc thềm chạy dài trước Nhà hát trước đây để đón thẳng các xe của các quan chức thuộc địa đến xem.

Những người thiết kế công trình đã tìm tòi tham khảo kiểu kiến trúc cổ Hy Lạp Coranhtơ kết hợp với kiểu lâu đài Tuylory và nhà hát Opera Paris để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt.

Nhà hát lớn đầu thế kỷ XX (Nguồn: Internet)
Nhà hát lớn đầu thế kỷ XX (Nguồn: Internet)

 

Nhà hát lúc đó được sử dụng là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cố điển như Opera, nhạc thính phòng, kịch nói... phục vụ cho tầng lớp quan lại thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có. Lịch biểu diễn thời đó một tuần có 4 lần vào thứ ba, thứ năm, thứ bảy và chủ nhật.

Cuối thế kỷ 20, Nhà hát Lớn Hà Nội sau hơn 80 năm tồn tại đã rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng. Phần chân tường nhà hát phủ đầy rêu phong, nhiều chỗ mái ngói bị thay thế bằng mái tôn.  Bên trong, các trang trí, vật liệu, màu sắc, tiện nghi phục vụ và thiết bị kỹ thuật quan trọng đều quá cũ kỹ, lạc hậu. Nhiều hoa văn bị quét vôi phủ kín trong những lần sửa chữa trước đó. Xung quanh quảng trường ngày càng xuất hiện nhiều các công trình không phù hợp, khiến phá vỡ không gian kiến trúc của nhà hát.

Giữa thập niên 1990, để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 năm 1997, Chính phủ Việt Nam đã quyết định trùng tu Nhà hát Lớn. Dự án được bắt đầu năm 1995 và hoàn thành 2 năm sau đó với sự tham gia của 100 nhân công và dưới sự giám sát của kiến trúc sư người Pháp gốc Việt Hồ Thiệu Trị, tác giả đồ án trùng tu.

Nhà hát lớn đầu thế kỷ XX (Nguồn: Internet)
Nhà hát lớn ngày nay (Nguồn: Internet)

 

Năm 2011, Nhà hát Lớn Hà Nội cùng quảng trường Cách mạng tháng Tám đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia. Ngày 9 tháng 12 năm 2011, Nhà hát Lớn Hà Nội kỷ niệm 100 năm ngày nhà hát ra đời.

Kiến trúc của Nhà Hát Lớn Hà Nội

Nhà hát lớn Hà Nội được xây cất phỏng theo mẫu của Nhà hát Opera Paris, nhưng tầm vóc nhỏ hơn, các vật liệu sử dụng được thay đổi theo những điều kiện kinh tế và khí hậu địa phương, đồng thời mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các Nhà hát ở miền Nam nước Pháp. Cách tổ chức mặt bằng, loại hình móng ngựa cho phòng lớn, lối vào sảnh, cầu thang chính và việc tổ chức các không gian phục vụ sân khấu của Nhà hát lớn Hà Nội đều giống như các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ XX.

Công trình có chiều dài 87 mét, bề ngang trung bình 30 mét, phần đỉnh mái cao nhất cao 34 mét so với nền đường, và diện tích xây dựng khoảng 2 600 mét vuông. Bên phải nhà hát, khách sạn Hilton Opera nằm hơi uốn cong, cũng là một công trình do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Mang những đường nét cổ điển – như hàng cột cao, bộ mái Mansard..., khách sạn hiện đại này không những không phá vỡ không gian kiến trúc của quảng trường mà còn giúp tôn thêm vẻ đẹp của nhà hát.

Kiến trúc tổng thể bên ngoài nhà hát

Mặt chính Nhà hát nổi bật với hàng cột theo thức Ionic La Mã tạo thành năm gian rỗng ở giữa và hai gian đặc ở đầu hồi, phía trên được nhấn thêm bởi mái hình chóp cong lợp ngói đá. Như vậy, những nguyên tắc kiến trúc Phục hưng dường như được nhấn mạnh ở đây. Tuy nhiên, khi đến gần công trình thì những yếu tố Baroque lại nổi bật với những đường cong uốn lượn của các ban công kết hợp với hình thức cuốn vòm phía trên lối vào, đặc biệt là các hình thức trang trí cầu kỳ là kết quả của sự kết hợp giữa các kiến trúc sư và điêu khắc gia. Sang tới mặt bên thì các yếu tố Baroque hầu như lấn át hoàn toàn, các thức cột chỉ còn lặp lại ở bên ngoài chính sảnh, thay vào đó là các cửa sổ hình chữ nhật hay cuốn vòm, những bức tường ngập tràn các hình thức trang trí, các thanh đỡ uốn lượn, tất cả đều giàu tính điêu khắc. Phía trên của Nhà hát lại đem lại cho chúng ta cảm giác về tinh thần Tân cổ điển Pháp với bộ mái lợp ngói đá đen được tổ chức rất kỳ công với sự kết hợp của nhiều hình thức: mái hình hình chóp cong ở các điểm nhấn, mái cuốn tròn ở khu vực khán phòng và mái tam giác phía trên sân khấu, xung quanh và trên đỉnh các mái đều được nhấn thêm bởi các yếu tố điêu khắc.

 

Mặt tiền Nhà hát lớn Hà Nội
Bản vẽ mặt tiền Nhà hát lớn Hà Nội

 

Mái ngói đá Nhà hát lớn Hà Nội
Mái ngói đá Nhà hát lớn Hà Nội

 

Mặt sau Nhà hát lớn Hà Nội
Bản vẽ mặt sau Nhà hát lớn Hà Nội
Mặt bên Nhà hát lớn Hà Nội
Bản vẽ mặt bên Nhà hát lớn Hà Nội

Khu chức năng

1. Sảnh chính

g

Là nơi đầu tiên đón khách đến Nhà hát, với một cầu thang hình chữ T bằng đá dẫn lên tầng hai được lát đá chất lượng cao nhập từ Italia ,có mầu sắc phù hợp với không gian và qui mô của sảnh tạo cảm giác như một tấm thảm lớn. Hệ thống đèn chùm nhỏ treo trên tường được mạ đồng theo kiểu cổ. Đèn chùm treo trên cao được mạ một lớp vàng theo công nghệ mới.

2. Phòng Gương

 

h

Phòng gương  (nằm trên tầng 2 gồm 1 phòng chính và 2 phòng nhỏ hai đầu) là phòng lễ nghi quan trọng thường xuyên đón tiếp các nhân vật cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia, là nơi diễn ra lễ ký kết các văn kiện quan trọng của Chính phủ. Ngoài ra phòng gương còn là nơi biểu diễn các chương trình nghệ thuật thính phòng, họp báo và tiến hành các Hội nghị mang tính chất nhỏ. Sàn Phòng gương được phục chế hoàn toàn theo kỹ thuật Mozaic. Đá lát sàn phòng gương được đưa từ Italia sang do thợ lành nghề của Italia hướng dẫn ghép từng viên bằng tay để đảm bảo độ tinh tế của công trình. Trên tường, xen giữa các cửa đi mở rộng là những tấm gương lớn. Các đèn treo, đèn chùm pha lê cùng bàn ghế mang phong cách cổ điển Pháp.

3. Phòng khán giả

 

i

j

 

Bên trong Nhà hát có sân khấu rộng và một phòng khán giả rộng 24x24m, có tổng số ghế cả ba tầng là 598 ghế. Sàn phòng khán giả được lát bằng gạch chất lượng cao và trải thảm chống cháy. Ghế ngồi được thiết kế theo phong cách cổ điển Pháp thế kỷ XIX. Phòng khán giả được trang trí cầu kỳ với những hàng cột thức Corinth đỡ một vòm trần rực sáng bởi những bức bích hoạ đầy màu sắc đan xen với những hình đắp nổi bằng thạch cao cùng một chùm đèn pha lê lớn được dát vàng. Trần bên trên phòng khán giả do các hoạ sỹ Pháp vẽ. Đèn chùm đựợc dát một lớp vàng theo công nghệ mới. Đèn gắn trên tường làm bằng đồng theo kiểu cổ.

Cuối cùng, phía sau sân khấu là 18 phòng trang điểm dành cho diễn viên, 2 phòng tập, cùng các phòng làm việc, thư viện, phòng họp.

 


 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU
global fanpage