Tham dự trực tiếp tại hội trường, về phía khách mời Việt Nam, có ông Nguyễn Hồng Thao - Đại sứ, Phó chủ tịch Ủy ban Luật pháp Quốc tế tại Liên Hợp Quốc; GS. Nguyễn Bá Diến - Chủ tịch hội đồng quản lý Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo; GS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Đông - Châu Phi (IAMES); GS Hoàng Văn Huân, Chủ tịch Hội cơ học Thủy Khí - Hội Cơ học Việt Nam, Viện Kỹ thuật Biển - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; GS Trần Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Hà Nội; Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Đào tạo Y Dược – Tập đoàn Bảo Sơn. Về phía khách mời quốc tế, có Ông Etienne Saur - Hiệu trưởng Đại học Khoa học và Công nghệ.
Về phía diễn giả tham dự trực tiếp tại hội thảo, có GS. Sylvain Ouillon - Trưởng khoa Nước - Môi trường - Hải dương, Đại học Khoa học và Công nghệ; Bà Lê Thị Vân Huệ - Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN; Ông Nguyễn Quốc Sơn - Giảng viên khoa Nước – Môi trường – Hải Dương, Đại học Khoa học và Công nghệ; GS. Olivier Roqueplo - Đại học Sorbonne Paris-Cité; Ông Nguyễn Thành Đôn từ Viện Quốc tế Pháp ngữ.
Về phía diễn giả tham dự trực tuyến, có GS. Corinne Flicker - Đại diện ĐH Aix-Marseille, Phó tổng Biên tập Ấn phẩm FAP; GS. Béatrice Bouvier-Laffitte - Giáo sư Đại học Công giáo Miền Tây (Cộng hòa Pháp), Giám đốc Khoa học Ấn phẩm FAP số 5; Ông Georges Vachaud - Giám đốc nghiên cứu danh dự - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), Cộng hòa Pháp; Ông Marc Descloitres - Nhà nghiên cứu vật lý địa cầu tại Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD), Giám đốc khoa học Phòng thí nghiệm quốc tế LECZ CARE tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUT).
Ngoài ra, hội thảo cũng quy tụ sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tiếng trong nước và quốc tế với kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực an ninh nước nói riêng và lĩnh vực môi trường nói chung cùng đông đảo các học giả, đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông, các bạn sinh viên tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ nhấn mạnh: “Nước là tài nguyên quyết định sự sống và sự tồn tại của mọi dân tộc. Trong thế kỷ tới, vấn đề an ninh nước chắc chắn sẽ là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với mọi quốc gia. Việt Nam là một quốc gia với hệ thống sông ngòi dày đặc, có nguồn tài nguyên nước rất phong phú. Mặt khác, Việt Nam là một trong mười nước được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu.” Trong thời gian gần đây, những hoạt động kinh tế của các quốc gia láng giềng cũng như tranh chấp lãnh hải trên biển Đông đang đặt ra vấn đề phức tạp. Do đó, cần có cách tiếp cận tổng thể mang tính liên ngành dựa trên luật pháp quốc tế, chiến lược và chính sách quản lý, sự hình thành và bảo vệ các quy tắc luật pháp quốc tế cũng như các cam kết đa phương”, ông bổ sung.
Sau phần phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hồng Thao - Đại sứ, Phó chủ tịch Ủy ban Luật pháp Quốc tế tại Liên Hợp Quốc bắt đầu phiên tham luận với những chia sẻ về tình hình an ninh nước tại Việt Nam và trên thế giới. Ông cho biết: “Việt Nam là đất nước có nguồn tài nguyên nước dồi dào, song mức độ tiếp cận nước sạch của người dân còn hạn chế và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh nước. Vì vậy, cần đưa ra những chính sách quản và phương án quản lý nước tốt hơn.”
Theo bà Lê Thị Vân Huệ, Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN, áp lực về nước do biến đổi khí hậu gây ra tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt những người nghèo vì đây chính là nhóm dễ bị tổn thương nhất của xã hội. Trong nghiên cứu điển hình về tỉnh Bắc Ninh, nhiều khu vực bị tại ô nhiễm nặng nề, lượng nước phân bổ không đều trong năm lúc quá ít, khi quá nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Do đó, cần xây dựng thể chế để ứng phó với áp lực về nước và đánh giá kết quả của các biện pháp thích ứng của thể chế.
Trong nghiên cứu về Ứng dụng mô hình trong đánh giá tác động của một số đập mới được xây dựng lên dòng chảy và phù sa trên lưu vực sông Hồng được GS. Sylvain Ouillon, Trưởng khoa Nước - Môi trường - Hải dương học và TS. Nguyễn Quốc Sơn, Giảng viên khoa Nước - Môi trường - Hải dương học, Đại học Việt Pháp thực hiện đã cung cấp những mô phỏng về lưu lượng nước và hàm lượng phù sa theo ngày, qua đó có thể thu nhận kết quả ảnh hưởng của đập và biến thiên khí tượng đến lưu lượng, đến lượng phù sa tại sông Hồng. Nghiên cứu này cho phép so sánh với các lưu vực khác tại Châu Á để đưa ra các giải pháp thích ứng với các tác động môi trường hiện nay.
Trong tham luận về “An ninh nước tại khu vực sông Nin, Congo”, bà Phạm Thị Kim Huế, Viện Nghiên cứu Trung Đông và châu Phi (IAMES), Việt Nam đã đưa ra các phân tích đặc điểm khu vực sông Nin từ đó mang đến một cái nhìn tổng quan về thách thức và cơ hội của khu vực tiềm năng kinh tế cao tại Châu Phi. Hội thảo đồng thời được lắng nghe các chia sẻ về giải pháp khắc phục các khó khăn trên tại đây.
Theo nghiên cứu với tên gọi “Homo sovieticus: đại dương, an ninh, phát triển và chủ quyền trong khu vực liên bang Nga của Kaliningrad ngày đó và bây giờ (1947-2018)”, Giáo sư Olivier Roqueplo, Viện Ngoại ngữ và Văn hóa quốc gia – Đại học Sorbonne Paris-Cité (Cộng hòa Pháp) cho biết Kaliningrad là khu vực có những đặc thù về địa chính trị và an ninh đại dương-biển. Đại dương-biển đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực này. Vì thế, đây là khu vực tranh chấp của nhiều quốc gia.
GS. Nguyễn Bá Diến - Chủ tịch hội đồng quản lý Viện nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo nhấn mạnh khủng hoảng sông Mekong đã, đang và sẽ là nguy cơ gây bất ổn khu vực và toàn cầu. Bốn quốc gia thuộc hạ nguồn của sông Mekong, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng xấu (hạn hán, mất mùa, hủy giệt các hệ sinh thái,…) bởi những hoạt động của Trung Quốc trên sông Mekong. Để đảm bảo các nguyên tắc đồng thuận đa phương và song phương về Mê Kông cần phải được đặt trong khuôn khổ rộng lớn của luật pháp quốc tế, đặc biệt là đối với vấn đề quản trị nước.
Ông Georges Vachaud, Giám đốc nghiên cứu danh dự - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), kết nối trực tuyến từ Cộng hòa Pháp đưa ra câu hỏi quan trọng về an ninh nước khu vực sông Mekong: “Ngập úng châu thổ sông Mekong, một quá trình không thể đảo ngược?”. Ông cho biết, đồng bằng châu thổ sông Mekong là một ví dụ điển hình cho những vấn đề mà tất cả những đồng bằng châu thổ khác của Đông Nam Á đã-đang-và sẽ phải đối mặt. Việc nhấn chìm một phần lớn đồng bằng vào năm 2050, làm mực nước biển dâng lên tương đối khoảng 1m là điều chúng ta có thể nhận thấy ngay từ bây giờ. Do đó, các chiến lược giảm thiểu vấn đề này theo quan điểm kinh tế và con người cần được xem xét, nghiên cứu nghiêm túc.
Ông Marc Descloitres, Nhà vật lý địa cầu tại viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD), Giám đốc khoa học Phòng thí nghiệm quốc tế LECZ CARE tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUT) cho biết TP HCM đang phát triển không ngừng, vấn đề ngập lụt và xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Vì thế cần quan tâm nghiên cứu cảnh báo thiên tai, tăng cường hệ thống kiểm soát ngập úng góp phần tăng độ chính xác của các quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, giúp thành phố nâng cao năng lực ứng phó để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân tại địa phương.
Chia sẻ về phương pháp tiềm năng để nghiên cứu độ chính xác của lũ quét, ông Nguyễn Thành Đôn từ Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) cho biết, ở Việt Nam có ba dạng lũ: lũ quét, lũ sông và lũ ven biển và xảy ra ở hầu hết các khu vực. Cần xác định chính xác các yếu tố lưu lượng lũ, mức nước dâng để phòng chống và giảm nhẹ tác hại do lũ lụt.
Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh nước và quản lý các lưu vực sông” là hội thảo thứ 4 trong chuỗi hội thảo khoa học liên ngành thường niên mang tên DAAS (Diderot Advanced Academic Seminars) do Viện Quốc tế Pháp ngữ khởi xướng. Trong khuôn khổ hội thảo,IFI đã ra mắt số 5 và số 6 của ấn phẩm «Cộng đồng Pháp ngữ ở Châu Á – Thái Bình Dương» do IFI và ĐH Aix-Marseille hợp tác xuất bản, trong đó số 6 là số đặc biệt về môi trường và an ninh nước.
Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) - ĐHQGHN tổ chức hội thảo quốc tế "An ninh nước
và quản lý các lưu vực sông"
Những tin cũ hơn