Ra mắt số 7 Ấn phẩm Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương

Thứ ba - 14/11/2023 10:37

Ngày 13/11, Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt số 7 Ấn phẩm khoa học “Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương” (FAP) với chủ đề “Đối thoại nghệ thuật Pháp - châu Á Thái Bình Dương: Cái nhìn giao thoa trong nghệ thuật hiện đại và đương đại” kết hợp với triển lãm hội họa kỹ thuật số của họa sĩ HironPhoenix (Pháp). Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập IFI (1993-2023), đồng thời đánh dấu 6 năm ra mắt số đầu tiên của Ấn phẩm FAP.

Lễ ra mắt số 7 Ấn phẩm FAP

 

Buổi lễ có sự tham dự của đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức đào tạo, doanh nghiệp đối tác của IFI trong và ngoài nước. Về phía Hội đồng Biên tập Ấn phẩm FAP, sự kiện hân hạnh chào đón ông Ngô Tự Lập, nguyên Viện trưởng IFI, Tổng biên tập; bà Flicker Corinne, Giáo sư Đại học Aix-Marseille (Pháp), Phó Tổng biên tập; bà Trần Thị Quyên, Thư ký, bà Natasha Kraevskaya và bà Iola Lenzi, Giám đốc khoa học; bà Nguyễn Thị Hiệp, Đại diện FAP tại châu Âu.

 

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Ngô Tự Lập, nguyên Viện trưởng IFI, Tổng biên tập Ấn phẩm FAP gửi lời cảm ơn tới các thành viên của Hội đồng Biên tập, các nhà tài trợ cũng như Nhà xuất bản Đại học Provence PUP thuộc Đại học Aix-Marseille (Pháp) và Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã tạo nên một sản phẩm khoa học đặc sắc, chất lượng cao và là minh chứng tiêu biểu cho hợp tác học thuật của Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong 6 năm qua, FAP đã công bố nhiều bài báo khoa học có giá trị liên quan đến Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương với nhiều chủ đề như văn học, kiến trúc, điện ảnh, giáo dục đại học, môi trường và phát triển bền vững. Đặc biệt, ông Ngô Tự Lập cũng bày tỏ hy vọng số thứ 7 của FAP với chủ đề “Đối thoại nghệ thuật Pháp - châu Á Thái Bình Dương: Cái nhìn giao thoa trong nghệ thuật hiện đại và đương đại” cùng triển lãm của họa sĩ HironPhoenix sẽ mang đến những cuộc hội ngộ thú vị của hai nền nghệ thuật Đông - Tây.

 

Ông Ngô Tự Lập, nguyên Viện trưởng IFI, Tổng biên tập Ấn phẩm FAP phát biểu tại Lễ ra mắt

 

Đánh giá cao những đóng góp của Ấn phẩm FAP cho cộng đồng khoa học Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương, ông Arnaud Pannier, Tùy viên phụ trách Hợp tác giáo dục, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho rằng Lễ ra mắt đánh dấu sự phát triển của FAP - một dự án khoa học Pháp ngữ chất lượng cao, độc đáo của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Pannier cũng khẳng định Đại sứ quán Pháp sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ IFI xây dựng Ấn phẩm FAP ngày càng phát triển và thành công, góp phần thúc đẩy hợp tác học thuật giữa các quốc gia Pháp ngữ trong khu vực và trên thế giới.

 

Ông Arnaud Pannier, Tùy viên phụ trách Hợp tác giáo dục, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

 

Tiếp đó, bà Corinne Flicker, Giáo sư Đại học Aix-Marseille (Pháp), Phó Tổng biên tập Ấn phẩm FAP cho biết đây là một sản phẩm khoa học quan trọng bởi các nghiên cứu trước đó đa số tập trung vào Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Phi, châu Mỹ hay châu Âu mà thiếu đi những nghiên cứu liên quan đến Pháp ngữ tại châu Á. Cũng theo bà Flicker, trong bối cảnh hiện nay, tiếng Pháp đã trở thành ngôn ngữ của sự đa dạng, hợp tác và chia sẻ. Do đó, FAP chính là “biểu tượng rực rỡ nhất về hợp tác học thuật Pháp ngữ” như nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) Jean Paul de Gaudemar đã tuyên bố trong chuyến thăm Đại học Aix-Marseille vào năm 2018.

 

Bà Corinne Flicker Giáo sư  Đại học Aix-Marseille (Pháp), Phó Tổng biên tập Ấn phẩm FAP phát biểu tại buổi lễ

 

Chương trình tiếp nối với phần giới thiệu về số thứ 7 của Ấn phẩm FAP của Giám đốc khoa học Natasha Kraevskaya. Theo bà, nghệ thuật hiện đại và đương đại tại châu Á bắt đầu xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, gắn liền với sự ảnh hưởng của nước Pháp. Khác với nhiều nghiên cứu chỉ nói một chiều về tác động của văn hóa phương Tây đến châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng biên tập Ấn phẩm FAP mong muốn phát triển một góc nhìn rộng hơn, những phân tích đa chiều về quá trình hình thành nền nghệ thuật tại khu vực này. Do đó, số mới nhất của Ấn phẩm FAP sẽ đi sâu vào các cuộc đối thoại Đông - Tây và tìm ra những quan điểm chung về nghệ thuật hiện đại và đương đại của hai khu vực.

 

Bà Natasha Kraevskaya, Giám đốc khoa học Ấn phẩm FAP giới thiệu về số thứ 7

 

Trong khuôn khổ buổi Lễ ra mắt, khách mời còn có cơ hội tham quan không gian triển lãm kỹ thuật số của họa sĩ trẻ HironPhonenix. Với kiến thức sâu rộng và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hội họa tại châu Âu và Việt Nam, anh đặc biệt say mê nghệ thuật sơn mài, thể hiện qua những kỹ thuật độc đáo như mài, khảm, cấn, sử dụng chất liệu đa dạng từ vỏ trứng, xà cừ đến vàng, bạc, thiếc, ... Ngoài ra, không chỉ giới hạn trong lối vẽ thông thường, họa sĩ người Pháp gốc Việt còn tạo ra những tác phẩm hội họa kỹ thuật số với sự tinh tế và chi tiết tương tự như những tác phẩm sơn dầu truyền thống.

 

Họa sĩ HironPhonenix giới thiệu về các tác phẩm hội họa trong triển lãm hội họa kỹ thuật số tại Lễ ra mắt

 

Lễ ra mắt đánh dấu 6 năm với nhiều thành công của Ấn phẩm FAP, đồng thời thể hiện sự phát triển của IFI trên con đường trở thành một cơ sở nghiên cứu quốc tế, đa ngành, đa lĩnh vực của Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. 

 

Các số tiếp theo của Ấn phẩm FAP dự kiến sẽ tập trung vào các chủ đề: Chủ nghĩa thực dân và phi thực dân tại các nước Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Kinh tế tuần hoàn và cơ hội hợp tác trong không gian Pháp ngữ. Tham khảo thêm thông tin tại đây.

 

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

 

 
 Từ khóa: IFI, FAP, VNU, Ấn phẩm FAP số 7
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Mã chống spam   

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

global fanpage
VNU